Đóng Menu

Cấu trúc định dạng đề thi vào Lớp 10 năm học 2024 - 2025 sẽ thay đổi cách dạy học như thế nào?

Ngày 29-8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2025

Cùng Tiến sĩ Trần Vân Anh - Phó phòng Đào tạo BMS chia sẻ và nhận định về việc thay đổi cấu trúc đề thi của các môn thi sẽ tác động và dẫn dắt sự thay đổi trong cách dạy và học ở THCS, nhất là đối với lớp 9 năm học 2024 – 2025. 

Những điểm cần lưu ý khi tiếp cận cấu trúc định dạng đề thi
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng của 7 môn thi không đồng nghĩa với việc thi vào lớp 10 cả 7 môn đã công bố. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa công bố số lượng môn thi vào lớp 10. Một số người đọc không kĩ có thể hiểu lầm rằng đây là đề thi minh hoạ cho đề thi vào lớp 10 năm 2025. Điều này làm nảy sinh những cảm xúc như hoang mang, lo lắng. 

Học sinh Trường THPT Ban Mai trong giờ học môn Ngữ Văn

Việc công bố cấu trúc định dạng đề thi 7 môn thi trước thềm khai giảng là một sự chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10 ở tháng 6 năm 2025.  Tuy chưa công bố tên các môn thi cụ thể nhưng cấu trúc và dạng thức câu hỏi giúp thầy cô, học sinh, cha mẹ học sinh biết, hiểu và học sinh chủ động ôn tập, luyện tập thành thục với các dạng thức câu hỏi. 

Trong số 7 môn được công bố, hai môn theo hình thức tự luận là Ngữ văn và Toán, năm môn theo hình thức trắc nghiệm là Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí, Giáo dục công dân, Tin học. Lần đầu tiên, các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí và Tin học được đưa vào danh mục các môn thi vào 10. Thời gian làm bải của môn tự luận là 120 phút, thời gian làm bài môn trắc nghiệm là 60 phút. 

 Định dạng và nội dung đề thi minh hoạ vào lớp 10 từ năm 2025 thể hiện rõ định hướng đánh giá năng lực học sinh. Thay vì kiểm tra sự hiểu biết của học sinh về kiến thức nội dung môn học, học sinh được đánh giá theo năng lực đặc thù của môn học. Các câu hỏi trong đề thi được biên soạn ở các cấp độ khác nhau nhằm phân hoá năng lực thí sinh (Cấp độ Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng). 

Hình thức câu hỏi trắc nghiệm có các dạng như sau: 
1. Câu hỏi nhiều lựa chọn: Thí sinh chọn đáp án Đúng trong số 4 phương án A,B,C,D
2. Câu hỏi Đúng/ Sai: Thí sinh trả lời câu hỏi hoặc nhận xét Đúng hoặc Sai với mỗi nhận định a,b,c,d. 
3. Câu trắc nghiệm trả lời ngắn: tập trung vào từ khoá hoặc câu ngắn.
Với đề thi đánh giá năng lực của học sinh, học sinh không còn phải học thuộc lòng bài tủ lời giải hoặc nội dung trong sách giáo khoa mà cần tư duy và vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. 

Thầy cô và học sinh làm gì để thích ứng với sự thay đổi này?
Học sinh thi vào lớp 10 năm 2025 là lứa học sinh đã học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 6 đến lớp 9. Mặc dù đã làm quen với hình thức thi trắc nghiệm nhưng cấu trúc và định dạng đề thi vào lớp 10 thay đổi, đặt ra yêu cầu đổi mới hình thức đánh giá và phương pháp dạy học ở THCS, nhất là học sinh lớp 9. 
Về phía Nhà trường: 
Nhà trường thông tin và giải thích về cấu trúc định dạng đề tới giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
- Chỉ đạo các tổ chuyên môn phân tích đề minh hoạ ở môn thi tổ phụ trách và xây dựng ngân hàng câu hỏi với định dạng như đề mình hoạ đã công bố.
- Tổ chức dạy – học chú trọng đến năng lực mục tiêu đầu ra của học sinh. 
- Thực hiện kiểm tra, đánh giá hàng tháng đối với lớp 9 theo cách trộn lẫn học sinh toàn khối. Mục đích là để học sinh rèn luyện và chuẩn bị thật tốt kiến thức, kĩ năng và khả năng tư duy khi vào phòng thi. 
Về phía giáo viên: 
- Các tổ chuyên môn triển khai nghiên cứu và xây dựng ngân hàng câu hỏi của bộ môn theo cấu trúc và dạng thức đề thi.
- Giáo viên dạy lớp 9 ở 7 môn chủ động ra các dạng bài tập, câu hỏi theo dạng thức đề thi được công bố
- Giáo viên hướng dẫn để học sinh làm quen và làm chủ lộ trình học tập, hướng dẫn học sinh phương pháp ôn luyện và làm bài thi hiệu quả. 

Học sinh chủ động tự xây dựng câu hỏi khác nhau trong quá trình ôn luyện, củng cố kiến thức

Về phía học sinh: 
- Thay đổi cách học tập thay vì học tủ, học lệch để ứng thí, học sinh cần phát huy năng lực tự học, lết hợp học lí thuyết với thực hành và vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn.
- Học sinh cần xem xét kỹ dạng thức và cách làm bài đối với loại câu khác nhau. 
- Học sinh học tập chủ động, nỗ lực hết khả năng trong học tập và kiểm tra, đánh giá. 
- Học sinh cần học chắc các môn học, học đến đâu, làm bài ôn luyện tới đó. 
- Khuyến khích học sinh sử dụng câu hỏi để tự xây dựng câu hỏi khác nhau trong quá trình ôn luyện, củng cố kiến thức.
Với cấu trúc và định dạng đề thi theo hướng đánh giá năng lực, kì thi vào lớp 10 được đồng bộ với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy - học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là một biểu hiện rõ nét của việc chuyển từ “thi gì học nấy” sang “học gì thi nấy”, giúp cho quá trình dạy học hướng vào người học thay vì biến việc học hướng vào kì thi.