Thấu hiểu con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi cha mẹ phải bước qua “chiếc cầu thế hệ” để đến với thế giới của những công dân Gen Z. Khoảng cách không đơn thuần là những con số tuổi tác mà là cả một sự khác biệt trong cách tư duy, giao tiếp và cảm nhận cuộc sống. Vậy làm cách nào để cha mẹ có thể thấu hiểu thế giới của con?

Thế hệ Gen Z lớn lên trong môi trường công nghệ phát triển, liên tục tiếp cận những giá trị mới và sự thay đổi chưa từng có. Việc thấu hiểu con cái thời hiện đại luôn là một hành trình đầy thử thách đối với cha mẹ. Tuy nhiên, nếu sẵn sàng tháo bỏ định kiến và học cách thấu hiểu, cha mẹ hoàn toàn có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt với con mình.
Thách thức khi thấu hiểu con cái hệ gen Z
Khoảng cách thế hệ và sự khác biệt trong tư duy: Một trong những nguyên nhân cốt lõi làm gia tăng thách thức giữa cha mẹ và thế hệ Gen Z chính là sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận cuộc sống và tư duy về các giá trị xã hội.
Gen Z lớn lên giữa thời kỳ bùng nổ công nghệ số, nơi tri thức mới, xu hướng toàn cầu và các nền văn hóa đa dạng luôn thay đổi từng ngày. Ngược lại, phần lớn các bậc cha mẹ lại trưởng thành trong môi trường chú trọng truyền thống, ổn định và chuẩn mực xã hội bền vững.
Chính vì vậy, khi đối diện với tư duy mở, xu hướng “phá vỡ khuôn mẫu” hay mong muốn độc lập mạnh mẽ của con cái, không ít cha mẹ cảm thấy khó hiểu, thậm chí mất kiểm soát trong quá trình nuôi dạy con.
Ảnh hưởng của mạng xã hội và Internet: Với Gen Z, mạng xã hội không chỉ là công cụ giải trí mà đã trở thành môi trường sống song song, nơi các bạn trẻ thể hiện cá tính, xây dựng hình ảnh bản thân và duy trì kết nối xã hội.
Tại đây, các bạn chủ động cập nhật xu hướng, học hỏi và mở rộng vòng bạn bè nhưng cũng dễ dàng tiếp xúc với các trào lưu mang tính tiêu cực. Một thực trạng đáng lo ngại là hiện tượng bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) hay sự so sánh bản thân qua hình mẫu “ảo” trên mạng xã hội.
Trong bối cảnh đó, nhiều cha mẹ rơi vào vùng mù thông tin, cảm thấy bất lực khi muốn đồng hành cùng con mà thiếu nền tảng công nghệ lẫn kỹ năng quản lý rủi ro mạng.
Khác biệt ngôn ngữ và phong cách giao tiếp: Giới trẻ hiện nay đang phát triển một ngôn ngữ riêng biệt, phong phú với nhiều từ lóng và biểu tượng cảm xúc. Tuy nhiên, đối với cha mẹ thuộc thế hệ trước, những thuật ngữ này thường gây bối rối và khó hiểu, tạo ra rào cản trong giao tiếp và kết nối với con cái.
Sự khác biệt trong ngôn ngữ phản ánh cách Gen Z thể hiện cảm xúc và suy nghĩ một cách sáng tạo. Đây là hình thức giao tiếp mới, linh hoạt và giàu biểu cảm, giúp các bạn dễ dàng truyền tải ý tưởng và cảm xúc trong môi trường số hóa.
Ngược lại, cha mẹ thường quen với cách giao tiếp truyền thống, trực tiếp và ít sử dụng các biểu tượng dẫn đến sự khó khăn trong việc hiểu trọn vẹn thông điệp mà con muốn truyền đạt.
Áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ: Trong nhiều gia đình, các bậc cha mẹ không chỉ mong muốn con đạt thành tích xuất sắc mà còn vô thức đem con ra so sánh với con nhà người ta - một hình mẫu được dựng lên bởi chuẩn mực xã hội.
Bên cạnh đó, không ít cha mẹ có xu hướng áp đặt lối sống, nghề nghiệp, quan điểm cá nhân của mình lên con cái. Gen Z là thế hệ đề cao cá tính và tự chủ, do vậy những ràng buộc này và đôi khi dẫn đến tâm lý chống đối, xa cách với cha mẹ.
Áp lực từ kỳ vọng khiến con dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng và làm gia tăng khoảng cách giữa hai thế hệ vì con cảm thấy cha mẹ không lắng nghe và thấu hiểu được giá trị, năng lực nội tại của mình.
Những đặc điểm nổi bật của Gen Z cần cha mẹ hiểu
Thế hệ công dân số, am hiểu công nghệ: Gen Z được coi là thế hệ số, sinh ra và lớn lên khi internet, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử đã trở thành một phần quen thuộc của đời sống hằng ngày.
Khác với cha mẹ, Gen Z sử dụng các thiết bị điện tử, mạng xã hội, ứng dụng học tập và giải trí một cách thuần thục gần như bản năng. Công nghệ vừa là công cụ hỗ trợ, vừa là cách con học tập, kết nối xã hội, sáng tạo và thể hiện bản thân.
Độc lập và tự chủ: Không giống với các thế hệ trước vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ gia đình, tập thể hoặc các khuôn mẫu xã hội, các bạn trẻ ngày nay có xu hướng chủ động xác định giá trị của bản thân, tự đặt mục tiêu và tìm kiếm con đường phát triển riêng.
Khát khao tự chủ thể hiện rõ trong cách các bạn ra quyết định, từ những lựa chọn nhỏ như chọn trang phục, bạn bè hay hoạt động ngoại khóa,… đến những lựa chọn lớn như môi trường học tập, nghề nghiệp, các mối quan hệ hay theo đuổi đam mê cá nhân.
Đề cao sức khỏe tinh thần và sự cân bằng cuộc sống: Một trong những đặc trưng nổi bật của Gen Z là sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe tinh thần và việc duy trì cân bằng trong cuộc sống.
Các bạn trẻ ngày nay hầu hết đều đặt cảm xúc cá nhân lên hàng đầu, coi đó là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống và học tập. Gen Z chủ động nhận diện cảm xúc của bản thân, không ngần ngại thể hiện nhu cầu được nghỉ ngơi, giảm tải khi cảm thấy áp lực hoặc mệt mỏi.
Bên cạnh đó, điểm nhấn của thế hệ này là khả năng cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, giải trí và hướng tới xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Chính sự chủ động chăm sóc sức khỏe tâm lý này giúp các bạn tránh kiệt sức, duy trì động lực học tập, sáng tạo, đồng thời phát triển hài hòa cả về trí tuệ lẫn cảm xúc.
Mong muốn được lắng nghe: Gen Z là thế hệ thể hiện rõ mong muốn sâu sắc được cha mẹ và người xung quanh lắng nghe, tôn trọng những cảm xúc cũng như ý kiến cá nhân, sẵn sàng chủ động bày tỏ suy nghĩ và không ngại bảo vệ chính kiến của mình.
Ngoài ra, các bạn là người đề cao sự minh bạch, công bằng trong đối thoại, coi trọng việc được lắng nghe một cách toàn diện thay vì bị áp đặt, phán xét. Khi những cảm xúc và ý kiến riêng được tôn trọng, các bạn cảm thấy được trao quyền, từ đó có động lực phát triển bản thân và cống hiến nhiều hơn.
Tư duy cởi mở và đa dạng: Được lớn lên trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập cùng sự phát triển bùng nổ của công nghệ, Gen Z dễ dàng tiếp cận với nhiều nền văn hóa, quan niệm sống và lối tư duy mới lạ từ khắp thế giới.
Điều này giúp các bạn trẻ hình thành nhận thức xã hội rộng mở, không ngần ngại tiếp nhận cái mới và chủ động tìm hiểu, chấp nhận những quan điểm, giá trị khác biệt.
Bí quyết giúp cha mẹ thấu hiểu và kết nối với con Gen Z
Chủ động học hỏi và cập nhật xu hướng: Thay vì phán xét, cha mẹ nên tìm hiểu về thế giới của con, từ ngôn ngữ đến các nền tảng mạng xã hội mà con yêu thích như TikTok, Instagram,...giúp cha mẹ dễ dàng trò chuyện và hiểu con hơn.
Lắng nghe không phán xét: Gen Z cần một người bạn đồng hành hơn là một người chỉ đạo, cha mẹ nên lắng nghe con chia sẻ mà không vội đưa ra lời khuyên hoặc chỉ trích.
Thiết lập ranh giới rõ ràng nhưng tôn trọng sự tự do: Cha mẹ có thể đặt ra các quy tắc về thời gian, ranh giới mà cho các hoạt động của con nhưng cũng cần cho con không gian riêng để phát triển sở thích cá nhân.
Khuyến khích con theo đuổi đam mê: Thay vì ép con vào những ngành nghề truyền thống, cha mẹ nên ủng hộ sở thích của con, sự ủng hộ của cha mẹ là nền tảng giúp con tự tin hơn trong học tập và cuộc sống.
Dành thời gian bên con nhiều hơn: Cùng con xem một bộ phim, chơi game hoặc tham gia hoạt động ngoài trời sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình, từ đó cha mẹ hiểu con nhiều hơn.

Hành trình thấu hiểu con GenZ bắt đầu từ việc cha mẹ dám thay đổi chính mình. Khi ngừng phán xét để lắng nghe, ngừng áp đặt để đồng hành, cha mẹ sẽ dần trở thành những người bạn thực sự hiểu và tôn trọng thế giới của con.
Cha mẹ hãy là điểm tựa để con bay xa bằng sự yêu thương và chân thành. Tình yêu đích thực không phải là bắt con sống theo kỳ vọng của mình mà là dũng cảm bước vào thế giới của con, cùng con trưởng thành hơn mỗi ngày.
Quý cha mẹ đăng ký tìm hiểu về lộ trình học tập và nhận chính sách ưu đãi năm học 2025 - 2026 tại Hệ thống Trường liên cấp BMS