Đóng Menu

SỰ PHỐI HỢP GIỮA GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG TRUYỀN CẢM HỨNG CHO TRẺ

Sáng 8/11, tại Trung tâm tổ chức sự kiện – trường Tiểu học Ban Mai đã diễn ra buổi hội thảo với chủ đề: SỰ PHỐI HỢP GIỮA GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH TRUYỀN CẢM HỨNG TẠO NÊN SỰ VĨ ĐẠI CHO TRẺ.
Thành phần tham gia là đại diện PHHS các lớp, các khối (do Hội thảo có chia theo nhóm để tương tác, vận động, nên không tổ chức đông được, sẽ triển khai dần tới toàn thể PHHS trong trường sau.

Buổi hội thảo do FCE Việt Nam phối hợp cùng Ban Mai thực hiện, nhằm mang đến cho các bậc PHHS những góc nhìn cụ thể hơn về tầm quan trọng trong việc hình thành thói quen, tính cách của trẻ với chương trình The Leader In Me, cũng như cách triển khai chương trình này tại Ban Mai, và giải đáp những băn khoăn của các bậc PHHS về chương trình.

Rất nhiều bậc PHHS đặt câu hỏi, cũng như chủ động chia sẻ, mang đến nhiều góc nhìn hơn và làm nổi bật vai trò quan trọng trong việc đồng hành, phối hợp giữa gia đình và nhà trường để hình thành các thói quen tốt cho trẻ.

Một điều tuyệt vời nữa tại buổi hội thảo này đến từ chính các con học sinh:
Chủ động đón các bậc PHHS ở cửa thang máy, chủ động cất lời chào cùng cái bắt tay, chủ động trong tiết mục văn nghệ biểu diễn, chủ động phát biểu chia sẻ, và hướng dẫn các bậc Cha Mẹ cùng tập các động tác thể hiện 7 thói quen…



****
Chia sẻ của chị Nguyễn Việt Nga (PHHS lớp 2A8):
“Thực ra thì tôi đã đọc cuốn sách này từ năm 2005, và hai vợ chồng đã áp dụng theo cuốn sách đó, nên rất thích chương trình “The leader in me” để con của mình có cơ hội được thực hành. Những thói quen này không thể có nhanh được, mà cần môi trường để rèn giũa, trở thành thói quen.
Gieo một thói quen gặt một hành động, và thực ra thói quen của chúng ta cần có một môi trường tốt để thực hành, thì mới ra được thói quen đó. Vậy nên tôi thấy nếu như con mình bắt đầu với môi trường để thực hành 7 thói quen này từ những năm học phổ thông, thì sẽ hiệu quả hơn rất là nhiều, không giống như vợ chồng tôi, lúc bắt đầu đã 30 tuổi rồi.”

****

Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Vân Anh – PHHS Tô Nguyễn Quốc Hiển, lớp 4A3:

“Tôi vẫn thường nói với con trai tôi rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là người học về quân sự, chỉ là nhà sử học mà trở thành nhà lãnh đạo tài ba, thành đại tướng của dân tộc. Do vậy mà mẹ rất mong là con yêu thích môn lịch sử. Không phải để được như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng con hãy yêu thích môn lịch sử.
Lớp 4 đã bắt đầu học lịch sử, nên mấy ngày đầu tôi thử kiểm tra xem con đã biết những gì rồi, thì bạn ấy bảo bạn ấy thích cái nọ cái kia chứ không thích lịch sử.
Tôi rất may mắn là con lớn của tôi được học cô Trang, con thứ 2 của tôi cũng học cô Trang. Tôi trao đổi với cô rằng con tôi không thích môn Sử, vậy cô xem có phương pháp nào giúp học sinh thích học không? Và tôi đã quan sát xem cô Trang làm như thế nào. Cô đã nói với tôi: Em sẽ thay đổi phương pháp, làm cho các con yêu thích môn Lịch sử.
Tôi thấy đúng là cần có những bức tranh, hay những video clip thì các con mới thích được, chứ không phải chỉ có cuốn sách thì con không thể thích được. Đến giờ con tôi đã nói rất thích môn Lịch sử, chứng tỏ rằng cô đã có phương pháp mới, đã làm được như thế.
Qua đây tôi cũng rất cảm ơn cô Trang, và tôi nghĩ các thầy cô khác cũng thử chủ động tìm cách thay đổi phương pháp như thế sẽ rất tốt.”

****
Chia sẻ của chị PHẠM THỊ HẢI – PHHS lớp 5A4:

“Làm thế nào để tìm ra thế mạnh của trẻ? Tôi tin đó là câu hỏi nhiều phụ huynh băn khoăn. Có những phụ huynh đã tìm ra được thế mạnh của con rồi, nhưng cũng còn nhiều phụ huynh khác đang trên đường tìm hiểu con mình thích gì, tương lai con mình sẽ như thế nào? Đó cũng là điều tôi quan tâm. Và tôi cũng chia sẻ rằng, tôi cũng đã may mắn tìm ra điểm mạnh của con từ năm ngoái.

Có lẽ các bậc phụ huynh chúng ta cần có công cuộc “sàng cát” – cho con đi nhiều nơi, tham gia nhiều chương trình, hoạt động. Và quan trọng nhất là chúng ta cần làm bạn với con, chia sẻ cùng con, nói chuyện với cô giáo, với các bạn xem con thích cái gì nhất. Ngoài ra, hãy cho con đi học một thời gian. Nếu thực đam mê của bạn ấy, bạn ấy sẽ theo đuổi, sẽ tiến bộ rất nhanh. Còn nếu chưa phải, mình sẽ bắt đầu với một cái khác. Tôi thì tôi nghĩ: Nếu không dính đến tiền, anh muốn làm cái gì nhất – thì đó là đam mê.

Một công cụ khác mà tôi đã làm cho con tôi, đó là sinh trắc vân tay. Cái này cũng giúp cho bố mẹ tìm ra tố chất bẩm sinh của con khá là chính xác. Ví dụ như bạn nhà tôi: Bố của con rất giỏi tiếng Anh, cứ nghĩ bố giỏi thế thì chắc chắn con phải giỏi. Cho nên bố mẹ đầu tư cho con rất nhiều học ngoại ngữ. Nhưng tốn rất nhiều tiền, con cũng chỉ đạt mức độ trung bình, con không thể nào trội hơn được. Và bố rất căng thẳng vì điều đó.

Sau một chuyến đi chơi, cả nhà phát hiện bạn ấy thích chữ Hán. Để khẳng định lại lần nữa, gia đình tôi làm sinh trắc vân tay cho con. Sau khi làm xong đến nay, gia đình tôi rất là vui vẻ và hạnh phúc, vì con được đi theo con đường con thích. Cho dù là vợ chồng tôi chưa đầu tư một đồng nào cho việc học chữ Hán của con, nhưng con học rất là tiến bộ. Và theo chương trình 7 thói quen, thì thói quen “Sống chủ động” và “Bắt đầu với mục tiêu” con cũng làm khá tốt.

Cái chủ động của bạn ấy là đi học về tập trung vào học bài để 20h30 là học xong rồi, sau đó đóng cửa học chữ Hán, bố mẹ không cần nhắc nhở gì. Buổi sáng dậy, bạn ấy đặt giờ dậy tập thể dục. Tôi đưa ra các bài tập kích thích não bộ cho bạn ấy. Mục tiêu của tôi là trong ngày hôm ấy con thật vui vẻ. Có vui vẻ, hạnh phúc thì não bộ mới mở ra, con học mới hiệu quả, chứ không cần kỳ vọng nhiều hơn nữa.
Tôi đã tìm ra được đam mê của con, cho con được sống với đam mê đó. Bạn ấy tự định hướng rằng năm 18 tuổi con phải dạy được chữ Hán cho các em nhỏ. Tôi hỏi vậy con sẽ làm gì trong 7 tháng nữa? Bạn nói rằng từ giờ đến 31/12 con sẽ học xong 214 bộ chữ Hán. Sau khi học thuộc con sẽ trả bài cho “thầy” (tức mạng internet). Sau đó con chuyển lên học theo đĩa VCD…

Thực sự đến giờ phút này tôi không quá băn khoăn, không phải căng thẳng với con. Vì con có niềm hạnh phúc của con, con có tương lai của con rõ ràng rồi thì cứ thế phát triển cho con”.

****
CHÙM VIDEO TẠI BUỔI HỘI THẢO NÀY:
Lê Anh Tuấn ( 8 tuổi) tự tin chia sẻ tại Hội thảo The Leader In Me – Banmai School
https://www.youtube.com/watch?v=7YAgJaAgo4M&list=PLnnXyKNwI9WW0_BesvFcTTTq1HgbxnIIf&index=30

Trẻ con có môi trường thực hành 7 thói quen sớm, sẽ tốt hơn khi 30 tuổi mới bắt đầu thực hành
https://www.youtube.com/watch?v=Lgtm5NV3Nkg&list=PLnnXyKNwI9WW0_BesvFcTTTq1HgbxnIIf&index=4

Làm thế nào tìm ra thế mạnh tiềm tàng của trẻ? – Chia sẻ của PHHS 5A4
https://www.youtube.com/watch?v=H8ahGWiQDT4&list=PLnnXyKNwI9WW0_BesvFcTTTq1HgbxnIIf&index=3

Chia sẻ của PHHS Tô Nguyễn Quốc Hiển (4A3) tại Hội thảo The Leader In Me – Banmai School
https://www.youtube.com/watch?v=KTkkypf7220&list=PLnnXyKNwI9WW0_BesvFcTTTq1HgbxnIIf&index=5

Các BMSers khối 2 hát về 7 thói quen tại Hội thảo của PHHS cực đáng yêu
https://www.youtube.com/watch?v=KHAJvTAPdQQ&list=PLnnXyKNwI9WW0_BesvFcTTTq1HgbxnIIf&index=31

5 bạn nhỏ tự tin hát, hướng dẫn các bậc PHHS thực hành động tác 7 thói quen tại Banmai School
https://www.youtube.com/watch?v=zecGsRIZSTU&list=PLnnXyKNwI9WW0_BesvFcTTTq1HgbxnIIf&index=33