Đóng Menu

NGÀY SÁCH VIỆT NAM – NHÌN LẠI TINH THẦN ĐỌC SÁCH BMSER

Hôm nay là 21/04 – ngày đọc sách Việt Nam. Đã được 2 năm kể từ ngày chính phủ kêu gọi toàn dân “giải cứu văn hoá đọc”, thay vì ôm điện thoại thông minh hay máy tính bảng lướt web mỗi ngày. Đọc sách không chỉ để thư giãn. Sách khiến chúng ta phải ngồi lại suy ngẫm, cho ta kiến thức, liên tưởng… và cho ta nhìn lại quá khứ.

Sách chính là kho tàng tri thức được đúc kết qua dòng thời gian của lịch sử. Qua sách, chúng ta có thể trở về quá khứ, nhìn lại chính mình và rồi tiếp bước đến tương lai. Có thể nói, sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh; sách còn là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi  buồn vui sâu kín của mỗi con người. Và từ lâu, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội. 

 Trong năm học vừa qua, thư viện trường TH Ban Mai đã có nhiều hoạt động thiết thực, phong phú nhằm khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong học sinh toàn trường như: Vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật, tuyên truyền giới thiệu sách, tọa đàm về sách, thực hiện danh mục đọc sách tiêu chuẩn, danh mục đọc sách mở rộng, các phong trào đọc sách,… liên tục được diễn ra.

Các buổi tọa đàm chuyên đề là những hoạt động các con học sinh được lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả và được nói lên chính suy nghĩ của các con về chủ đề thông qua việc đọc sách. Mỗi tháng gắn liền với những chủ điểm khác nhau, học sinh được đọc sách và được trải nghiệm làm các sản phẩm học tập. Tháng 12, gắn liền với kỷ niệm ngày Thành lập QĐND Việt Nam với tọa đàm “Trẻ em thời chiến”  cung cấp cho học sinh một góc nhìn chân thực về trẻ em những năm 1945 – 1975. Tháng 1 với tọa đàm “Tết cổ truyển Việt Nam” giúp học sinh thêm hiểu biết về những phong tục ý nghĩa trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam đồng thời thêm yêu quý và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Còn tháng 3 với ngày Quốc Tế phụ nữ 8/3 thư viện lại tổ chức tọa đàm với chủ đề “Mẹ là tất cả của con” thay lời cảm ơn bậc sinh thành. Các con được những trải nghiệm như viết thư tặng mẹ, vẽ thiệp tặng mẹ, chia sẻ những kỷ niệm về người mẹ yêu dấu,….  Tháng 4 là tháng các con học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi hết năm học, thư viện tổ chức tọa đàm về tủ sách hướng nghiệp với chủ đề “I Can do it!” hứa hẹn sẽ là buổi tọa đàm nhiều màu sắc với sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các con với những dự định, mục tiêu cần đạt được.

Tọa đàm “trẻ em thời chiến”

Tọa đàm “Mẹ là tất cả của con”

Tọa đàm “Tết cổ truyền Việt Nam”Các phong trào đọc sách liên tục được diễn ra như phong trào đọc sách đợt 1 chủ đề “Học cách yêu thương” diễn ra từ ngày 07/12/2015 đến ngày 30/01/2016 đã thu hút 951 học sinh tham gia. Phong trào đã tìm ra 1 kiện tướng đọc sách là em Chu Diệu Lân lớp 2A7, Giải nhì: em Phạm Bùi Hà Nhi lớp 2A8, giải 3: Em Nguyễn Mạnh Đức lớp 2A7.3 tập thể lớp dẫn đầu trong phong trào đọc sách thuộc về lớp 4A1, 4A2, 2A8 

 “Lễ vinh danh học sinh phong trào đọc sách đợt 1 – Năm học 2015 -2016” Nối tiếp thành công của phong trào đọc sách đợt 1, thư viện đã phát động phong trào đọc sách đợt 2 với chủ đề “Khoa học kỳ thú” và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 28/04/2016. Hi vọng phong trào đọc sách này sẽ khiến cho những giám khảo của chương trình phải làm việc cật lực để tìm ra kiện tướng đọc sách. Song song với các buổi tọa đàm, các phong trào đọc thì danh mục đọc sách mở rộng và danh mục đọc sách tiêu chuẩn vẫn là những quyển sách luôn luôn song hành cùng các con học sinh mỗi tuần, mỗi tháng. Tuần 1 của tháng các con được đọc cuốn 1, tuần 2 làm outut, tuần 3 các con đọc quyển 2 và tuần 4 khép lại phiếu bài tập của cuốn 2. Việc lồng ghép các sách tự chọn và các cuốn sách nằm trong chương trình năm học do giáo viên xây dựng từ đầu năm là một chủ trương đúng đắn của BGH nhà trường nhằm giúp các con ngoài việc được đọc những cuốn sách đúng sở thích của mình trong khi vẫn đảm bảo những được những cuốn sách bổ trợ cho môn học trên lớp. Đây là minh chứng cho việc thực hiện danh mục đọc sách tiêu chuẩn của học sinh trường Tiểu học Ban Mai: 

 Với những kết quả đạt được và sự cố gắng hơn nữa của các con học sinh, hi vọng rằng mỗi ngày tới đều là những ngày hội đọc sách của BMSer.

———————– 

Hướng dẫn học sinh cách chọn và đọc sáchQuy trình đọc sách 

Có nhiều người tuy có từng đọc sách, nhưng họ lại cảm thấy không thật sự học hỏi được gì từ những quyển sách. Đó là bởi vì họ chưa biết đọc sách đúng cách. Để không bị lãng phí thời gian, công sức khi đọc sách và để tiếp thu quyển sách một cách hiệu quả nhất, hãy theo những bước sau: 

1.Chọn sách 

Đầu tiên, hãy đảm bảo là bạn đang chọn quyển sách mà bạn thật sự cần, theo đúng lĩnh vực bạn quan tâm, sao cho sau khi đọc quyển sách, bạn phải cảm thấy có ích. Tuyệt đối không chọn sách theo kiểu “a dua”, chịu sự đưa đẩy của người khác hay chọn nó đơn giản chỉ vì … giá rẻ. Sau khi chọn thể loại sách phù hợp, hãy chọn quyển sách theo thể loại đó. Vì mỗi lĩnh vực đều có rất nhiều sách và không phải sách nào cũng hay nên hãy chọn thật cẩn thận. Bạn có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau: § Đọc lướt qua phần mở đầu và giới thiệu: để nắm được nội dung chính của quyển sách và sự đầu tư của tác giả vào sách.§ Xem nhận xét của đọc giả với sách§ Thường thì những quyển sách hay là những quyển best-selling (vì hay thì người ta mới mua nhiều chứ)§ Những quyển sách hay thường là của những nhà xuất bản lớn, những người dịch uy tín (vì những nhà xuất bản “lá cải” chẳng bao giờ chịu bỏ tiền ra mua bản quyền những quyển sách hay (vì bản quyền ấy rất đắt))

2. Xác định mục đích, mục tiêu và kế hoạch đọc: 

Đây là việc mà rất nhiều người đọc không thực hiện, nhưng lại là một công việc vô cùng quan trọng.Khi đặt ra mục đích đọc, bộ não của bạn sẽ tập trung hơn để tiếp thu vào những nội dung quan trọng (nhớ là não của bạn đọc, chứ không phải là mắt). Hãy xác định mục đích đọc của bạn: đọc là để hiểu, để áp dụng nó vào cuộc sống của mình!Xác định thời gian mà bạn muốn hoàn thành quyển sách: 1 tháng, 2 tuần, 1 tuần hay 4 ngày? Tùy theo độ dày, kiểu nội dung của quyển sách và điều kiện của bạn mà hãy lựa chọn thời gian hoàn thành phù hợp. Nhưng dù sao, đừng để thời gian đọc 1 quyển sách quá dài, tốt nhất là nên dưới 1 tháng.Tiếp đến, hãy vạch ra kế hoạch đọc cụ thể: bạn sẽ đọc vào khoảng thời gian nào trong ngày, bao nhiêu giờ đọc một ngày, bao nhiêu chương đọc một ngày… Và hãy sắp xếp thời gian đọc đều đặn, nhịp nhàng.Ngoài ra, kế hoạch đọc sách còn bao gồm những lần đọc lại sau lần đọc đầu tiên. Đừng bao giờ dừng lại chỉ sau 1 lần đọc. 

3. Đọc ngay sau khi mua sách: 

Rất nhiều người sau khi mua sách đã biến sách trở thành … một vật trang trí trên kệ sách. Thật lãng phí! Đa phần đều do không có động lực đọc. Vậy nên, bạn hãy đọc sách ngay sau khi mua (giống như quy tắc hành động ngay sau khi lập mục tiêu). Đọc sách ngay sau khi mua sẽ giúp bạn bớt trì hoãn hơn trong những lần đọc sau. 

4. Đọc sách thật sự: 

Khi đọc sách, đừng đọc như là bạn đang đọc chữ. Hãy học cách đọc suy nghĩ của tác giả. Hãy không ngừng suy nghĩ về vấn đề đưa ra. Hãy thật sự “giao tiếp” với tác giả về nội dung của sách. Bạn cũng nên vẽ trước một sơ đồ tư duy hiểu biết của mình về nội dung sắp đọc và bổ sung vào sơ đồ tư duy đó những kiến thức mới mà bạn vừa mới biết được từ quyển sách.Để việc đọc của bạn tốt hơn, bạn cũng cần phải học hỏi những phương pháp đọc nhanh, đọc hiệu quả (tài liệu quan trọng cần tham khảo: “The speed reading book” – Sách dạy đọc nhanh – Tony Buzan) để hoàn thiện hơn về cách đọc cũng như cách tiếp thu của mình. 

5. Thực hành và truyền đạt sau khi đọc xong sách: 

Sau khi đọc xong một quyển sách, nhiều người cảm thấy khó nhớ nội dung của nó và khó áp dụng nó vào cuộc sống. Để xóa bỏ kiểu đọc “lí thuyết suông”, hãy thực hành nội dung của sách. Một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất là truyền đạt nội dung quyển sách lại cho người khác. § Giúp đỡ người khác bằng những kiến thức bạn đã được học từ quyển sách§ Trao đổi về những vấn đề liên quan đến sách với người khác (tốt nhất là với những người cũng từng đọc cuốn sách đó)§ Thuyết trình về nội dung quyển sách (nói, viết) ở nhiều nơi, với nhiều người khác nhau Và hãy luôn thực hành nội dung đã được học vào thực tế cuộc sống của bạn. Đừng xem việc đọc sách kết thúc ngay sau khi bạn đọc đến trang cuối cùng; bởi vì quá trình này luôn kéo dài suốt cuộc đời bạn! 6. Ôn tập thường xuyên: Đọc sách là một quy trình dài, bạn không nên chỉ đọc một lần rồi vứt sách vào một góc khuất nào đó hay xem đó như là một việc “đã hoàn thành xong”.

Hãy ôn đi ôn lại quyển sách nhiều lần, ít nhất là để nắm vững nội dung của quyển sách. Sau đó, hãy phát triển khả năng tiếp thu của bạn qua việc mở rộng nội dung của quyển sách và phân tích sâu từng phần của quyển sách. “Đọc sách không chỉ là đọc chữ đơn thuần. Đọc sách chính là “nhìn thấu” ý tưởng của tác giả, là tiếp nhận văn minh kiến thức của nhân loại và thậm chí còn nhiều hơn thế.” Nhiều người đã xem việc đọc những quyển sách hay như là một trong những thành tựu to lớn nhất đời họ. Vậy còn các con học sinh trường tiểu học Ban Mai thì sao? Cô Thanh hy vọng ngày nào cũng trở thành ngày hội đọc sách của các con. Hãy chọn cách thành công với những quyển sách nhé! 

Cán bộ thư viện: Đỗ Thị Thanh