Đóng Menu

HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI BAN MAI CỦA 3 BỐ CON ĐẤT CẢNG

Rời thành phố hoa phượng đỏ, với những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm và những tiếng còi tàu vọng về trong đêm. Vợ chồng tôi quyết định lên Hà Nội lập nghiệp, định cư lâu dài. Những ngày đầu vô cùng vất vả để làm quen với môi trường mới. Sự ồn ào và tấp nập qua đi nhanh chóng. Việc tiếp theo là tìm trường cho con – công việc tưởng đơn giản nhưng thực sự vô cùng khó khăn. Tranh thủ thời gian ít ỏi trong những ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng tôi chở nhau đi trong hành trình chọn trường trên chiếc xe máy cà tàng. Ngày qua ngày, tháng nối tiếp tháng … vẫn chưa tìm được nơi ưng ý nhất. Cho đến một hôm đang trao đổi về việc học của con, thì cậu bạn cùng phòng bảo: sao anh không chọn trường Ban Mai cho các cháu?

-Sao mình không nghĩ ra nhỉ? Thử một lần xem sao.

Đi dọc con đường mát rượi dưới hàng cây trong ngày hè nóng bức, tiếng ve kêu đến nao lòng, tôi tưởng mình đang trở về ngôi trường xưa với những ký ức tuổi thơ dữ dội. Cổng trường lúc này rất đông xe và người qua lại, mấy bác bảo vệ trường dắt tay từng em học sinh ra tận xe của bố mẹ rồi tất bật điều tiết giao thông. Ấy vậy khi thấy vợ chồng tôi đến thì nhanh nhẩu hỏi:- Anh chị muốn gì ạ? Thăm trường ư? Để chúng tôi dẫn đi…

Thật ấn tượng ngay từ sự giao tiếp ban đầu.

Bác bảo vệ dẫn chúng tôi vào khu nhà hiệu bộ và chỉ phòng cô Hiệu phó phụ trách. Sau khi không quên nói lời cảm ơn, tôi gõ cửa…Cánh của mở ra. Trước mắt tôi là cô giáo có khuông mặt xinh đẹp và nụ cười thường trực trên môi:- Chào anh chị, mời anh chị vào ạ!- Vâng, chào cô, chúng tôi muốn tìm hiểu và tham quan cởi sở vật chất của trường.- Vâng, vậy em sẽ dẫn anh chị đi tham quan.Cô dẫn chúng tôi đi qua những dãy lớp học, đến các phòng chức năng. Dù khu trường không quá rộng, nhưng mọi thứ được sắp xếp rất khoa học, từ bể bơi, phòng học năng khiếu… Và điểm đến cuối cùng là thư viện. Chúng tôi đã thực sự bị chinh phục.

Chia tay với cái bắt tay ấm áp và nụ cười thật duyên của cô Hiệu phó, tôi đã yên tâm với việc học của các con mình.

 Từ những lo toan ban đầu của một người bố công tác xa nhà thường xuyên, ngoài học kiến thức ra thì con học làm người thế nào? Đêm về, khi dạo bước trên bến cảng mênh mông và tiếng sóng rì rào, tôi lo lắng và không biết con học ra làm sao, bạn bè có quí mến không? Cô giáo chăm sóc và quan tâm ra sao?… Ai làm việc xa nhà nhiều sẽ có tâm trạng như tôi. Rồi những buổi họp phụ huynh hay giao lưu chia sẻ ở lớp và ở trường, tôi đã chạy xe hơn hai trăm km để về dự, để lắng nghe, để thấu hiểu, nhất là được thấy các con mình đã thực sự hoà nhập và trưởng thành hơn, đó là hạnh phúc của người bố. Có được như thế thì đường xa có nghĩa lý gì đâu. Mới đó mà nay Ban Mai đang chuẩn bị đón chào năm học thứ 10, còn tôi cũng thực hiện được kế hoạch 5 năm của gia đình mình: chị Tôm học lớp 5 và em Tép bước vào lớp 1. Từ đó chúng tôi có những người thân mới, các con tôi có thêm những người mẹ: cô Thơm, cô Bảo, Cô Hường, cô Hằng…. . Các con của tôi đã xem Ban Mai như ngôi nhà thứ hai của mình. Đến đây tôi lại nhớ, tuần trước khi về thăm quê, đùa với con, tôi hỏi:

– Bố cho Tôm Tép về quê học nhé!

– Nhưng mà… ở quê không có Trường Ban mai bố ạ!

Các con đã biết yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô và quí mến bạn bè. Không sợ đến lớp, không sợ những phép toán khô cứng và những giờ tập đọc như đánh vật của bé lớp một, bởi ở đó có những cô giáo như mẹ hiền.Giờ đây, ở nơi công tác xa, những tất bật của nỗi lo cơm áo và phức tạp xã hội. Tôi thực sự yên tâm về môi trường học tập của các con. Yên tâm gửi niềm vui lớn nhất trong cuộc đời cho các thầy cô, những người truyền cảm hứng về tình yêu quê hương đất nước, tình người và đem trí thức bay xa.Muốn sang thì bắt cầu kiềuMuốn con hay chữ thì yêu kính Thầy. ĐIỀN QUANG DŨNG(Phụ huynh bé Điền Hồng Ngọc – 5A4,và Điền Quang Tùng – 1A4)