Đóng Menu

5 cuốn sách hay và ý nghĩa về người Thầy

 “Chiến binh cầu vồng”, “Ông giáo làng trên tầng gác mái “, “Totochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ“, hay “Dạy học với trọn vẹn yêu thương“… đã khắc họa thành công hình ảnh người giáo viên nhân hậu, luôn hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

“Chiến binh cầu vồng”: Khi giáo dục là cội nguồn của hạnh phúc

“Chiến binh cầu vồng” là tác phầm đã bán được trên 5 triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Bối cảnh của tác phẩm được đặt tại hòn đảo Belitong (Indonesia) những năm 80, với những nhân vật chính đa phần là các cô bé, cậu bé thuộc cộng đồng những người nghèo nhất trên đảo. Những “chiến binh” nhỏ theo học tại trường Muhammadiyah, ngôi trường nghèo là cái gai trong mắt của chính quyền, chỉ chực chờ giải tán mái trường khi không đủ 10 học sinh theo học.

Ngôi trường được “cứu” khi cậu bé thứ 10 – Harun, một cậu bé khiếm khuyết về trí tuệ – xin nhập học. Từ đây, cùng với người giáo già Harfan và cô Mus trẻ tuổi, hành trình của những “chiến binh” bắt đầu.

Tác phẩm đề cao trái tim, tình yêu thương lớn lao của các bậc nhà giáo. Dù sống trong túng quẫn nhưng những suy nghĩ và ngôn từ của thầy Hiệu trưởng Harfan luôn tỏa sáng lấp lánh, thầy khơi gợi cho học trò sự ham học hỏi, không đầu hàng trước nghịch cảnh và thầy cho rằng, mọi người đều có thể hạnh phúc trong cuộc sống miễn là họ học được cách cho đi thật nhiều: “Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.”

Học sinh Ban Mai gây ấn tượng khi giới thiệu sách “Chiến binh cầu vồng”

Người thầy nghèo khổ đã đem đến cho bọn trẻ tuổi thơ đẹp đẽ và tâm hồn phong phú, điều thậm chí còn có giá trị hơn cả những khát khao và ước mơ, đây mới thực sự là giá trị lớn lao nhất của giáo dục. Đối với những đứa trẻ, Thầy Harfan và cô Mus có ý nghĩa hơn cả một thầy cô giáo bởi họ là những người đã tạo ra tuổi thơ đáng nhớ cho cả bọn, hai người chưa bao giờ đánh mất đi sự tử tế và lòng kiên nhẫn khi giảng dạy chúng.

Nếu mười đứa trẻ được tác giả ví là mười chiến binh cầu vồng thì thầy Harfan và cô Mus chính là những người khiến cầu vồng tỏa sáng và làm nên tinh thần của các chiến binh. Những điều dường như chỉ có người thân ruột thịt mới làm cho nhau thì hai thầy cô lại thực hiện một cách tự nguyện và đầy nhiệt huyết, đó là tình yêu cao cả của một nhà giáo và là lòng can đảm, kiên cường khi chiến đấu với cái đói nghèo, chống lại số phận.

Năm 2014, “Chiến binh cầu vồng” được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên, bộ phim đạt doanh thu cao kỉ lục ở Indonesia và đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.

Ông giáo làng trên tầng gác mái” – Người thầy mang theo thứ ánh sáng của riêng mình

Ông giáo làng trên tầng gác mái của tác giả Nguyễn Thế Vinh là một trong những người thầy đại diện cho sự nỗ lực phi thường, nhiều người quý trọng ông bởi sự lạc quan giữa nghịch cảnh, và trên hết đó là lòng kiên nhẫn, sự trách nhiệm, nghiêm khắc nhưng luôn dành trọn yêu thương cho bao thế hệ học trò.

Nguyễn Thế Vinh sinh ra ở một làng quê nghèo xứ cát tại Bắc Bình, Bình Thuận, dù là thầy giáo nhưng không hề xuất thân từ lò sư phạm, vậy mà dám mơ về một ngôi trường dành cho các em có số phận không may mắn. Ông đã một mình ngang dọc đi hết đất nước hình chữ S, đã vạn lý trường chinh đi xin giấy phép lập trường, đã lò mò đi “chiêu dụ” học trò về học tại ngôi trường mang tên của loài hoa Hướng Dương…

“Ông giáo làng trên tầng gác mái” thực sự là một tác phẩm viết về một người “tay ngang” trở thành một ông thầy giáo của cả một lứa học trò mà đầu vào đều là những đứa nhóc trung bình và ham chơi. Ông từng dùng roi trong hai năm đầu để xây dựng kỷ cương nề nếp của ngôi trường, đã từng “xúi dại” học trò đòi thêm bài tập ở các thầy cô trường công, cũng đã có những quyết định mà trò đau một thì thầy đau mười…

Tưởng chừng như mọi thứ quá khó khăn với người thầy không lành lặn, nhưng không, Nguyễn Thế Vinh đã tự mình làm mọi việc, từ xây dựng trường đến việc dẫn dắt, đặt vào tay những đứa trẻ kém may mắn các cơ hội, lặng thầm nâng bước các em trên con đường chông gai cho đến khi các em đã đủ cứng cáp rời xa mái trường Hướng Dương.

Hiện nay, đa số những học trò được ông dạy đều đã vào đại học, có việc làm, tự nuôi sống bản thân, có em thành đạt, giữ vị trí cao trong công việc. Như một cái duyên, đa số học trò của thầy Nguyễn Thế Vinh dạy hồi đó đều còn giữ mối quan hệ tới giờ. Có em đi Pháp, lâu lâu về Việt Nam vẫn hỏi thăm ông. Thầy Nguyễn Thế Vinh là một người như thế, vẫn luôn dõi bước theo, cầu nguyện những điều tốt lành nhất cho học trò của mình.

Hình ảnh người thầy cụt tay Nguyễn Thế Vinh đọng lại rõ nét qua những trang sách: nhẹ nhàng, hiền lành, đôi khi lại có một chút ưu tư trong những ký ức về ngày xưa cũ. Bằng văn phong rất đỗi đơn giản, dung dị như chính con người của ông, cuốn sách Ông giáo làng trên tầng gác mái qua lời tự sự của Nguyễn Thế Vinh đã làm lay động lòng người, người ta hâm mộ và kính nể người đàn ông nhỏ nhắn, có nụ cười dễ mến nhưng lại chứa đựng tinh thần lạc quan trước những nghịch cảnh cuộc đời. Cuốn tự truyện này – như lời chia sẻ của Nguyễn Thế Vinh, không có yếu tố giật gân nào, mà nó là những chuyến tàu ký ức, mỗi người đọc có thể dừng lại ở bất cứ nhà ga nào mà bạn muốn.

“Dạy học với trọn vẹn yêu thương”: Trái tim thầy cô mở ra những điều diệu kỳ

Nếu như Ông giáo làng trên tầng gác mái  là những dòng hồi ức cảm động về người thầy, người cô tràn đầy sự hy sinh và tấm lòng nhân hậu thì Dạy học với trọn vẹn yêu thương sẽ giúp người đọc hiểu thêm về nghề giáo bằng cái nhìn sâu sắc hơn.  

Tác giả Patricia A. Jennings đã trải qua thời thơ ấu với một loạt biến cố đau thương, bà đã mồ côi năm 15 tuổi. Trong suốt thời gian chấn động tâm lý và bị u uất, Jennings đã được cô giáo Curtis động viên và hỗ trợ. Cô Curtis bày cho Jennings cách an toàn để bộc lộ nỗi buồn và tuyệt vọng bằng việc trân trọng những gì mình đã trải qua và giúp tác giả chuyển hóa những trải nghiệm kinh khủng bằng nghệ thuật. Cô giáo Curtis đã truyền nguồn cảm hứng cho Jennings bước vào nghề giáo sau này; và nhờ vào sự động viên của cô, Jennings đã phát hiện ra sức mạnh tự chữa lành của sự tỉnh thức.

Có hơn 40 năm kinh nghiệm làm người thực hành sự tỉnh thức nhà giáo dục và nhà khoa học, tác giả viết cuốn sách Dạy học với trọn vẹn yêu thương này cho tất cả những ai quan tâm đến việc chuyển hóa trường học thành môi trường thúc đẩy sự phát triển con người và trở thành nơi trẻ em và thanh thiếu niên có thể phát huy được hết tiềm năng của mình.

Cuốn sách nên là “Đắc nhân tâm” cho những người đang làm giáo dục nói chung, và dành riêng cho ba mẹ và giáo viên. Hãy chọn nó làm sách gối đầu giường để mỗi khi có vấn đề khó khăn với trẻ lại mở ra, và bất cứ trang nào bạn cũng có thể tìm được một giải pháp, một cách thấu hiểu và một hướng mở rộng trái tim của mình cho mọi người, đặc biệt là cho con trẻ.” Một độc giả chia sẻ khi đọc Dạy học với trọn vẹn yêu thương.

Nhìn vào thực tế, có rất nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy kiệt sức và đôi khi cảm thấy việc lên lớp là một trách nhiệm nặng nề buộc phải hoàn thành. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều giáo viên đã bỏ nghề. Với nội dung 7 chương được dịch mạch lạc, dễ đọc, quyển sách Dạy học với trọn vẹn với yêu thương không chỉ chỉ ra cách trở thành thầy cô, cha mẹ mẫu mực mà còn có ích cho những người mong muốn chuyển hóa cảm xúc của chính mình. Patricia A. Jennings cung cấp nhiều bài tập thực hành để những thầy cô có thể giữ được năng lượng thức tỉnh trong việc giảng dạy và củng cố sức lực trong cuộc sống.

Nếu ứng dụng các kỹ thuật dạy trẻ được hướng dẫn cụ thể trong sách để mỗi lần đọc lại một đoạn hay một chương sách, bạn sẽ lại khai phá thêm một tầng nhận thức mới trong chính mình. Đồng thời những câu chuyện dung dị ta thường gặp ngoài cuộc sống sẽ được tái hiện sinh động trong từng trang sách. Đây là một quyển sách mà chắc hẳn mà tự bản thân mỗi người nên đọc và tự chiêm nghiệm để thấu hiểu thêm về nghề giáo.

“Một thầy giáo tốt như một ngọn nến, ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác.” -Mustafa Kemal Ataturk. Đằng sau sự thành công của mỗi người không chỉ là công lao của cha mẹ, sự giúp đỡ của bạn bè, mà đó còn là công ơn của những người “đưa đò” đã chèo lái đưa bạn cập bến thành công.

Totochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ

Vừa vào lớp một được vài ngày, Totto-chan đã bị đuổi học!!!

Không còn cách nào khác, mẹ đành đưa Totto-chan đến một ngôi trường mới, trường Tomoe. Đấy là một ngôi trường kỳ lạ, lớp học thì ở trong toa xe điện cũ, học sinh thì được thoả thích thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày, muốn học môn nào trước cũng được, chẳng những thế, khi đã học hết bài, các bạn còn được cô giáo cho đi dạo. Đặc biệt hơn ở đó còn có một thầy hiệu trưởng có thể chăm chú lắng nghe Totto-chan kể chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ! Chính nhờ ngôi trường đó, một Totto-chan hiếu động, cá biệt đã thu nhận được những điều vô cùng quý giá để lớn lên thành một con người hoàn thiện, mạnh mẽ.

Totto-chan bên cửa sổ, là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới suốt ba mươi năm nay. Sau khi xuất bản lần đầu vào năm 1981, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Tính đến năm 2001, tổng số bản sách bán ra ở Nhật đã lên đến 9,3 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử ngành xuất bản nước này. Cuốn sách đã được dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau, như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…Khi bản tiếng Anh của Totto-chan được xuất bản tại Mỹ, tờ New York Times đã đăng liền hai bài giới thiệu trọn trang, một “vinh dự” hầu như không tác phẩm nào có được.

Thầy Cô Giáo Hạnh Phúc Sẽ Thay Đổi Thế Giới

“Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” – bộ sách bạn đang cầm trên tay là một món quà đặc biệt quan trọng – hay nói cách khác là một sự trao truyền – từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao tặng vào giai đoạn chín muồi của một nhân cách vĩ đại. Bạn sẽ thấy rằng nó là kết tinh tình thương sâu sắc của Thiền sư đối với những người trẻ và sự mong mỏi không ngừng về một nền giáo dục bồi dưỡng tài và đức cho các thế hệ mai sau. Ở mỗi trang, bạn có thể cảm được sự tôn vinh dành cho những con người đang thực hiện sứ mệnh này, thường là âm thầm không ai biết, và khối lượng công việc khổng lồ mà họ gánh vác từng ngày nhằm phục vụ cho công cuộc kiến tạo, chuyển hóa và hàn gắn thế giới của chúng ta từ dưới lên, từ thế hệ này sang thế hệ khác – đó là những người thầy, người cô.

Đây cũng đồng thời là tác phẩm được kết tinh từ sự cộng tác đầy cảm hứng với giáo sư Katherine Weare, một nhà giáo dục và cũng là một giáo viên về chánh niệm, người đã có nhiều năm nghiên cứu những tác động của thực tập chánh niệm trong môi trường học đường, và đội ngũ các cây bút cố vấn, những học trò lớn của Thiền sư từ Làng Mai. Cùng nhau họ đã thiết kế một cẩm nang thiền tập mang tính đa diện và rất dễ sử dụng để giúp các thầy cô giáo có thể đem chánh niệm vào lớp học cũng như vào đời sống của chính mình bằng nhiều hình thức.

Hy vọng thông qua 5 tác phẩm sâu sắc và cảm động nhất về người Thầy trên đây, bạn sẽ có thêm một khoảnh khắc tri ân về những người thầy, người cô đặc biệt trong cuộc đời mỗi người.

(Ban Mai school tổng hợp)

——————–

HỆ THỐNG GIÁO DỤC BAN MAI (K-12)

TRƯỜNG TIỂU HỌC BAN MAI

Địa chỉ: Số 41-43 đường 19/5, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội

www.banmaischool.edu.vn

Email: tuyensinh@banmaischool.com

Hotline: 093 562 5656

Youtube: http://bit.ly/2ERDqVn