Đóng Menu

200 BMSER SAY RỐI NƯỚC, CẦU NGUYỆN TRƯỚC ĐỀN NGỌC SƠN, VẼ BÊN HỒ GƯƠM

Khi xe vừa đến đầu phố Tràng Tiền – Hồ Gươm hiện ra, bạn nhỏ nào cũng ồ lên, hò reo, chỉ trỏ đầy thích thú:

– Tớ thấy Hồ Gươm rồi. Giống y hệt trong sách 

– Hồ Gươm! Hồ Gươm! Hồ Gươm!

– Tháp Bút! Tháp Bút! Tháp Bút!

– Đền Ngọc Sơn! Đền Ngọc Sơn! Đền Ngọc Sơn!

Cứ thế, các bạn nhỏ đồng thanh hô vang. Rồi cùng đọc vanh vách đoạn văn học thuộc lòng về Hồ Gươm mà cô giáo đã dạy.

Xe dừng ở Nhà hát múa rối Thăng Long đầu tiên. Rất nhiều những vị khách nước ngoài có mặt ở địa điểm này. Và các BMSer thiên thần đều tự tin mỉm cười, gửi lời chào “Hello” đầy thân thiện. Qua lối cầu thang dẫn lên tầng 2 Nhà hát, ‘thiên đường” này là của riêng các BMSer nhí, và các cô bác trong đội diễn hôm nay cũng chỉ phục vụ riêng cho chúng mình mà thôi. Ổn định chỗ ngồi xong, tiếng đàn tiếng nhạc bắt đầu vang lên. Là thanh âm của đàn bầu, nhị, trống… – tựa không khí ngày hội bên sân đình ở những làng quê (mà nhiều bạn nhỏ từng có cơ hội thưởng thức khi theo bố mẹ về quê trong mỗi dịp hè).

Mặt nước mênh mang xanh. Rồi khói lượn vòng phun ra. Rồi chú Tễu ngộ nghĩnh xuất hiện. Và câu chuyện kể về nét văn hóa đậm chất dân gian của đất Thăng Long xưa bắt đầu.Thuở hoang sơ tái hiện với hình ảnh những đôi giao long múa lượn. Cuộc sống của cư dân vùng lúa nước ven sông Hồng mở ra với người đàn ông dong trâu đi cày, đàn bà hì hụi tát nước, cấy lúa. Cảnh ngư dân câu cá, vợ chồng ông lão chăn vịt, cảnh chèo thuyền thúng mưu sinh, dùng nơm úp cá. v.v…Các lát cắt sinh hoạt đan xen cùng nhau, pha lẫn lời thoại dân dã, hài hước, dí dỏm làm nên đời sống tinh thần chân chất và mộc mạc của người xưa qua từng con rối theo những động tác biến hóa uyển chuyển đến tài tình…

Đặc biệt cảnh Lê Lợi đi thuyền rông, rùa vàng xuất hiện cho mượn gươm thần đã cụ thể hóa và sinh động hơn “Sự tích Hồ Gươm” mà các bạn nhỏ từng nghe kể.Các nghệ sĩ của Nhà hát múa rối Thăng Long đã phục vụ gần 200 khán giả nhí của mình bằng tất cả tình yêu dành cho các bạn nhỏ, sự tâm huyết với nghệ thuật múa rối nước dân gian.

Tạm biệt sân khấu múa rối, chúng mình di chuyển sang tham quan cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Rất nhiều bạn nhỏ thể hiện rõ niềm vui sướng khi lần đầu tiên đặt chân lên cây cầu đỏ màu son cô giáo từng dạy trong những bài học. Và trước cửa đền Ngọc Sơn, tất cả cùng chắp tay cầu nguyện – mỗi người thì thầm một điều mà lòng mình ước mong….

Rời đền, chúng mình chia thành từng tốp trải dài từ cổng đền đến sát mạn tượng đài Lý Thái Tổ để ngồi vẽ tranh, tô màu bức vẽ quang cảnh Hồ Gươm. Nắng giao mùa lọt qua vòm lá xanh, đổ dài trên sắc trắng đồng phục Ban Mai. Các BMSer nhí chúng mình như những chú chim non hồn nhiên, vừa vẽ vừa chuyện trò ríu rít bên bờ Hồ, thu hút ánh nhìn và nụ cười trìu mến của tất cả mọi người xung quanh – nhất là các vị khách nước ngoài. Rất nhiều ống kính máy ảnh ngẫu nhiên của các vị khách đã “toách toách” liên hồi chụp những họa sĩ nhí đáng yêu.

Chuyến dã ngoại kết thúc, gói gọn trong buổi sáng ngày 15/4. Rất nhiều khoảnh khắc đẹp đã được lưu lại qua những bức hình, video của thầy Phó Nháy – như món quà tháng 4 thú vị mà mái nhà Ban Mai đã dành tặng cho các bạn học sinh khối 1 bên thềm mùa hè sôi động đang về đến.

Xem video trọn hành trình trải nghiệm Múa rối nước và tham quan Hồ Gươm của các bạn khối 1:

Những màn múa rối đặc sắc nhất tại Nhà hát múa rối Thăng Long dành tặng h/s Tiểu học Ban Mai 

Ríu ran bầy sẻ nhỏ dọc hành trình hát vang… 

Gần 200 thiên thần nhỏ cầu nguyện trước đền Ngọc Sơn & ngồi vẽ bên Hồ Gươm