Đóng Menu

NGỌN LỬA TỪ TÌNH YÊU VỚI NGHỀ GIÁO

        Người ta thường nói nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ truyền thụ cho học sinh những kiến thức cần thiết cho cuộc sống mà còn dạy cho học sinh làm thế nào để trở thành người tốt, hướng các con tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Mỗi giáo viên như một người lái đò thầm lặng chở khách qua sông, không ồn áo, phô trương nhưng vô cùng cần thiết. Tôi yêu cái nghề cao quý mà bình dị ấy!

       Giấc mơ làm cô giáo đã được nhen nhóm và lớn dần lên trong tôi suốt thời thơ ấu. Ngày ấy, lũ trẻ xóm tôi dăm bảy đứa thường tụ tập với nhau chơi trò lớp học. Tôi không còn nhớ cách chúng tôi phân vai trong lớp học như thế nào nhưng cuối cùng người làm cô giáo cũng lại là tôi. Cứ thế tuổi thơ của tôi trôi đi trong vai trò cô giáo của nhóm bạn cùng xóm. Sau này khi đi học, mỗi một người thầy có phương pháp hay, mỗi một người cô có chuyên môn giỏi, mỗi một môn học hấp dẫn đều góp phần thắp lửa cho tình yêu nghề giáo trong tôi. Đó cũng chính là lí do vì sao tôi chọn thi vào Sư Phạm chứ không phải bất kỳ một trường đại học nào khác.

        Giờ đây nhìn lại quãng thời gian mười ba năm gắn bó với nghề dạy học, có những lúc cuộc sống của nhà giáo còn không ít khó khăn, nhiều khi mệt mỏi và áp lực nhưng chỉ cần nhìn thấy sự tiến bộ và trưởng thành của học sinh, được đón nhận những tình cảm hồn nhiên trong sáng của các con thì bao vất vả mệt nhọc dường như cũng tan biến. Trong những năm tháng ấy, kỷ niệm làm tôi nhớ nhất là lần tôi vượt qua khó khăn ban đầu để thấy được tình cảm yêu mến của học trò.

          Năm đó tôi được phân công làm chủ nhiệm thay một người bạn đồng nghiệp. Vì tình cảm với cô giáo cũ nên lúc đầu học sinh lớp của tôi chưa nồng nhiệt chào đón tôi. Tất cả những việc tôi làm, những gì tốt đẹp tôi dành cho các con, các con đều coi đó là lẽ đương nhiên. Trong ánh mắt và tình cảm của các con tôi chưa cảm nhận được vị trí của mình. Vượt lên những cảm xúc buồn ban đầu, tôi vẫn yêu thương học sinh, luôn tìm cách tiếp cận để  hiểu các con hơn, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong những bài giảng trên lớp, thường xuyên tìm cách khuyến khích các con để mỗi học sinh thể hiện tốt nhất năng lực của bản thân…Thời gian cứ thế trôi đi trong sự cố gắng của tôi và thái độ thờ ơ ít bộc lộ tình cảm của các con. Một hôm vì ốm mà tôi không thể đến lớp để dạy các con. Sau ba ngày nghỉ ốm tôi đến trường trong sự mệt mỏi. Điều khiến tôi hoàn toàn bất ngờ là thái độ và tình cảm của các con khi tôi quay trở lại. Cả lớp ùa ra đón tôi với biết bao lời chào, lời hỏi thăm chứa đầy tình cảm thương yêu. Tôi bước tới bàn giáo viên, thật bất ngờ, một giỏ hoa tươi màu tím mà tôi yêu thích được để ngay ngắn trên bàn, phía dưới là một tờ giấy bìa khổ lớn bên trên có dòng chữ “7A2 mong cô mau khỏi ốm”, bên dưới có hình vẽ 25 bạn học sinh lớp tôi với những nét đặc trưng, riêng biệt của từng người vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu. Trên mỗi hình vẽ ấy lại có một tờ giấy nhỏ nhỏ xinh xinh ghi lời nhắn nhủ yêu thương của các con. Một nỗi xúc động hòa trong niềm hạnh phúc dâng trào trong tôi, xua tan đi bao mệt mỏi. Có lẽ trong những ngày vắng cô, học sinh của tôi đã cảm nhận được vài trò và tình cảm yêu thương mà tôi đã dành cho các con. Kể từ đó học sinh thật sự yêu mến và coi tôi như người mẹ thứ hai của mình. Hai năm học, cô trò chúng tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Từ chuyện đi tham quan nhà ma…,chuyện lớp học với một số nhân vật khiến cho các bạn khác không thể nhịn cười, chuyện những bài văn “bất hủ” được đọc lên trước lớp, chuyện cả lớp cùng nhau tấp nập chuẩn bị cho những hoạt động ngoại khóa (trang trí Noel, làm bánh trôi trong tết hàn thực, gói bánh chưng trong tết cổ truyền…), những bữa tiệc, những buổi liên hoan, những buổi họp cán sự lớp, những câu chuyện tâm sự dài miên man dường như không muốn dứt…Tất cả những kỷ niệm đó luôn hiện hữu trong ký ức của cô trò chúng tôi như mới ngày hôm qua…

Cô giáo Tố Lan (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng nghiệp

          Vượt qua những khó nhăn, thử thách trong nghề nghiệp tôi càng cảm thấy gắn bó và vững bước hơn trên con đường mình đã chọn. Người ta thường nói: “ Nhà văn, nhà báo, nhà giáo – ba nhà nghèo” nhưng tôi thiết nghĩ có thể nhà giáo nghèo về vật chất nhưng lại vô cùng giàu có về tinh thần, giàu có bởi tình thương yêu, lòng nhân ái, sự tận tụy với nghề, với người. Nhà giáo cũng nhận được biết bao tình cảm yêu thương và sự kính trọng của học trò. Tình yêu với nghề đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống và cống hiến nhiều hơn nữa. Trên bước đường tương lai còn nhiều thử thách nhưng tôi luôn tự tin vững bước bởi trong tôi ngọn lửa tình yêu chưa bao giờ tắt.

Nguyễn Tố Lan – GV Ngữ Văn