Đóng Menu

HƯỚNG DẪN ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT TỔ HỢP 3 MÔN LÝ – HÓA – SINH

Ôn thi tốt nghiệp THPT là một quá trình, đòi hỏi học sinh phải có ý thức tự giác, sự quyết tâm và nỗ lực. Do đó để có thể ôn thi hiệu quả, mỗi học sinh cần lập kế hoạch với chiến lược ôn thi phù hợp với mục tiêu.

1. Bí quyết học, ôn thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý

Xây dựng kế hoạch ôn tập

Cô Phạm Thị Minh Nguyệt cho rằng, học sinh cần căn cứ vào mục tiêu đã đặt ra để xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân.

Với mục tiêu xét tốt nghiệp, học sinh nên tập trung vào kiến thức cơ bản chương trình Vật lí lớp 12 – các dạng câu hỏi nhận biết và thông hiểu (nêu được định nghĩa, điều kiện xảy ra hiện tượng, các công thức tính toán, bài tập mức độ thông hiểu).

Mục tiêu xét tuyển đại học, học sinh cần nắm chắc bản chất, hiện tượng vật lí, nhuần nhuyễn các câu hỏi lý thuyết và bài tập ở mức độ cơ bản của chương trình vật lí sách giáo khoa lớp 11 và 12; từ đó luyện giải các bài tập ở cấp độ vận dụng, yêu cầu kĩ năng biến đổi công thức cần thành thạo, kĩ năng sử dụng máy tính bấm tay….

Sau khi xác định rõ mục tiêu, học sinh lên kế hoạch ôn tập. Trong đó lưu ý tóm tắt lại các kiến thức đã học và hệ thống các công thức đã học. Hoàn thành lại các phiếu bài tập trên lớp. Ở các mảng kiến thức mỗi chương, với các câu hỏi lý thuyết, học sinh cần đọc kĩ và phân tích để thấy được vấn đề của mỗi đáp án. Từ đó ghi lại vào sổ nội dung cần lưu ý. Với các câu hỏi bài tập, cần giải tự luận để khắc sâu công thức và nâng cao tư duy và các kĩ năng biến đổi và sử dụng máy tính bấm tay.

Luyện tập theo chuyên đề cũng được cô Nguyệt khuyên học sinh chú ý. Cụ thể, sau khi hoàn thành các phiếu bài tập, học sinh bổ sung các phiếu bài tập, trong quá trình luyện tập nếu kiến thức đã được học bị quên thì học sinh cần đọc lại tài liệu để củng cố kiến thức.

Cùng với đó là luyện tập đề tổng hợp: luyện đề năm trước đó để biết được các dạng câu hỏi, kiến thức trọng tâm trong đề thi và năng lực của cá nhân khi giải đề.     Song song với việc này, học ính có thể luyện đề thi thử của các trường để tăng tốc độ, và độ chính xác khi giải đề.

Thực hiện kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT

Với hoạt động thực hiện kế hoạch ôn tập, cô Phạm Thị Minh Nguyệt nhắc nhở học sinh cần xác định thời gian học tập cho kế hoạch nội dung đã xây dựng cho phù hợp, thời gian học tập cho bộ môn trong một ngày.

Sau đó, xác định phương pháp học tập. Cụ thể, với kiến thức lí thuyết, tóm tắt dưới dạng sơ đồ, hoặc theo triển khai các ý, gạch chân các từ khóa quan trọng.

Với bài tập: Đọc kĩ đề và tóm tắt đề bài để xác định được dạng bài tập, công thức để định hướng được lời giải, chú ý đơn vị, biến đổi toán học cũng như sử dụng máy tính khi giải. Thời gian đầu có thể giải bài tập theo hướng tự luận để nắm rõ bản chất và vấn đề bài toán, sau khi nhuần nhuyễn thì hướng tới phương pháp giải nhanh.

Khi ôn tập, việc có không gian yên tĩnh là điểm cộng để tạo tâm thế thoải mái, sẵn sàng khi học và tập trung cao độ để mang lại hiệu quả cao. Học sinh không được quên giữ gìn sức khỏe; cân bằng việc học và rèn luyện sức khỏe mới có thể ôn tập có hiệu quả.

Xác định nội dung kiến thức ôn tập.

  • Chương trình vật lí 11: Điện tích – Điện trường. Dòng điện không đổi. Dòng điện trong các môi trường. Từ trường. Cảm ứng điện từ.
  • Chương trình vật lí 12: Dao động cơ. Sóng cơ và sóng âm. Dòng điện xoay chiều. Dao động và sóng điện từ. Sóng ánh sáng. Lượng tử ánh sáng. Hạt nhân và nguyên tử.

Chú ý những nội dung giảm tải đã được giảm tải trong các năm học.

2. Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Hóa Học: Luyện đề chỉ hiệu quả khi nắm chắc lý thuyết

Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn Hóa học thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy Đặng Xuân Chất nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm vững kiến thức lý thuyết.

Thầy Đặng Xuân Chất cho rằng: Các câu hỏi lý thuyết chiếm phần lớn điểm của bài thi và là cơ sở để học sinh có thể làm các bài tập khó hơn.

Ví dụ, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ cần làm hết các câu lý thuyết và các câu tính toán ở mức đơn giản, các thí sinh đã có thể dễ dàng đạt được mức điểm 7, 8.

Thầy Đặng Xuân Chất, giáo viên Trường THPT Ban Mai – Hà Đông, Hà Nội.

Cùng với ôn lý thuyết, thầy Đặng Xuân Chất cũng lưu ý thí sinh ôn tập kỹ các câu hỏi về thí nghiệm.

Lý do: Đề thi những năm gần đây luôn có câu hỏi về thí nghiệm thuộc nhóm câu hỏi vận dụng và vận dụng cao; trong khi số thí nghiệm chương trình phổ thông không có nhiều nên đây có thể coi là câu hỏi học sinh ôn tập kỹ để giành điểm.

Tuy nhiên để hiệu quả, học sinh nên hiểu về bản chất của các thao tác thí nghiệm, hay vai trò của các chất trong thí nghiệm đó thay vì học thuộc từng câu.

Với luyện đề, theo thầy Đặng Xuân Chất, là điều cực kỳ cần thiết với thí sinh nếu muốn có kết quả thi tốt. Nhưng việc luyện đề chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi học sinh đã có một lượng kiến thức nhất định. Nếu chưa chắc kiến thức, học sinh không nên luyện đề mà nên tổng ôn lại một lần nữa.

Bên cạnh đó, khi luyện đề học sinh cần có sổ luyện để theo dõi các lỗi sai của bản thân và điểm số mà mình đạt được. Phải làm các đề từ nguồn uy tín và tham khảo thêm các đề đánh giá năng lực hay kiểm tra tư duy mẫu của các trường mà mình dự kiến nộp hồ sơ.

Để thực hiện hiệu quả việc ôn tập các nội dung như trên, học sinh phải chuẩn bị một thời gian biểu rõ ràng, khoa học; từ đó bảo đảm được kế hoạch đề ra và sức khỏe cho đến khi kỳ thi diễn ra.

Do hiện nay có nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau vào các trường đại học, như xét tuyển học bạ, xét tuyển kết hợp, dựa vào điểm thi tốt nghiệp,… Nên trước tiên, thí sinh phải xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của bản thân, dự kiến thi trường nào từ đó mới có thể đưa ra các kế hoạch ôn thi hiệu quả.

3. Ôn thi Tốt nghiệp THPT môn Sinh học, điều gì cần lưu ý nhất?

Cô Nguyễn Thị Bích Dậu, giáo viên Trường trung học phổ thông Ban Mai-Hà Đông (Hà Nội) lưu ý, khi lập kế hoạch ôn thi, học sinh cần chú ý 4 bước như sau:

Bước 1: Xác định mục tiêu điểm số và lên kế hoạch học tập theo từng tuần.

Bước 2: Xác định nội dung ôn tập và thực hiện kế hoạch với chiến lược đã xây dựng. Dựa vào ma trận đề thi và đề thi tham khảo các năm gần đây để xác định nội dung ôn tập

Với học sinh có mục tiêu xét tốt nghiệp, nên tập trung vào dạng câu hỏi nhận biết, thông hiểu thường tập trung vào kiến thức lý thuyết cơ bản, cốt lõi trong sách giáo khoa thuộc các phần: Tiến hoá, Sinh thái, Ứng dụng di truyền học, Di truyền học người, Cơ sở và cơ chế di truyền và biến dị.

Với học sinh có mục tiêu xét đại học: ngoài ôn tập các nội dung lý thuyết cơ bản, học sinh cần luyện tập các dạng bài tập ở mức vận dụng thuộc phần phần cơ sở và cơ chế di truyền, biến dị; quy luật di truyền; phả hệ và lí thuyết sinh học 11 thuộc phần chuyển hoá vật chất – năng lượng ở thực vật và động vật.

Bước 3: Luyện tập theo từng chuyên đề. Trong quá trình luyện tập, câu hỏi rơi vào phần kiến thức đã quên hoặc không hiểu cần xem lại tài liệu bổ sung và lấp lỗ hổng. Các bạn cố gắng đặt mục tiêu thời gian để hoàn thành phiếu bài tập.

Bước 4: Luyện đề tổng hợp. Mỗi tuần học sinh chọn 1 đề thi các năm trước để xác định mức độ năng lực. Từ đó bản thân cũng biết cần bổ sung kiến thức gì, năng lực phù hợp với mức điểm và nên chọn trường khoảng điểm bao nhiêu.

Lưu ý phương pháp ôn tập

Đưa lời khuyên khi ôn tập lí thuyết, cô Nguyễn Thị Bích Dậu cho rằng học sinh nên ôn tập dưới dạng sơ đồ tư duy, hệ thống từ khoá cho từng chủ đề; chú thích bằng cách gạch chân các nội dung hay gây nhầm lẫn. Khi ghi chép lí thuyết nên dùng bút nhiều màu để đánh dấu và phân biệt các nội dung lí thuyết cần ôn tập.

Ví dụ: Màu đỏ, kiến thức tổng quát, từ khoá quan trọng (nên đóng khung); màu xanh: kiến thức cơ bản; màu tím: kiến thức hay sai, nhầm lẫn.

Bên cạnh đó, học sinh cần luyện tập trắc nghiệm lí thuyết thường xuyên.

Ôn tập bài tập, học sinh cần hệ thống các công thức và các phương pháp giải các dạng bài tập. Ghi nhớ các công thức theo logic hiểu, tự thiết lập, tránh học công thức máy móc. Có thể ghi công thức vào giấy nhớ nhiều màu, dán trên góc học tập dễ quan sát. Luyện tập bài tập từ dễ đến khó theo từng dạng bài, từng chuyên đề

Chú ý: Trong quá trình ôn tập, cần chọn nơi yên tĩnh, tập trung cao độ, đánh dấu những phần ôn tập còn chưa rõ và thường xuyên trao đổi với giáo viên, các bạn cùng nhóm để ôn tập hiệu quả.

Lưu ý về tài liệu, thời gian ôn tập

Về tài liệu ôn tập, theo cô Nguyễn Thị Bích Dậu, khi ôn tập cần lựa chọn các tài liệu ôn tập đảm bảo tính chính xác khoa học, tránh sử dụng tài liệu tràn lan, không rõ nguồn gốc dẫn đến ôn kiến thức sai. Các tài liệu ôn tập nên tham khảo ý kiến của thầy cô, các anh chị khoá trên.

Trong thời gian ôn tập không nên quá sức, cần cân bằng giữa ôn thi và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khoẻ. Mỗi ngày nên giành khoảng 30 – 60 phút để ôn tập cho môn Sinh học.

Thời gian ôn tập: có thể chọn vào sáng sớm lúc cơ thể khoẻ mạnh, dễ dàng tiếp nhận ghi nhớ.

—————————————-

HỆ THỐNG GIÁO DỤC BAN MAI

TRƯỜNG THCS – THPT BAN MAI

Địa chỉ: Lô TH4- Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội

Hotline: 0906190468

Website: http://banmaischool.edu.vn/

Youtube: https://bit.ly/2PhC1gx