Đóng Menu

Giáo viên Trường THPT Ban Mai tham gia nhận định đề thi tốt nghiệp THPT 2024

Kính mời Quý Cha mẹ, Thầy Cô và các con học sinh thọc sinh tham khảo chuỗi bài nhận định đề thi tốt nghiệp THPT 2024 do các Thầy Cô giáo trường THPT Ban Mai phối hợp cùng Báo Giáo dục Thời đại và Bộ Giáo dục& Đào tạo thực hiện.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy và ôn luyện thi, các Thầy cô Trường THPT Ban Mai sẽ mang đến những nhận định sâu sắc và hữu ích, đồng hành cùng các em học sinh trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.
Lưới bài nhận định sẽ được cập nhật ngay sau khi đề thi chính thức được công khai, và trích nguồn từ Báo điện tử Giáo dục thời đại: https://giaoducthoidai.vn/

MÔN NGỮ VĂN: ĐỀ THI KHÔNG KHÓ, TẠO TÂM LÝ THOẢI MÁI CHO HỌC SINH

Cô giáo Vũ Hoài Thu, giáo viên Ngữ Văn - Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) nhận định: Nhìn chung cấu trúc đề thi Ngữ văn bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT; đảm bảo yêu cầu về của một đề thi tốt nghiệp và có tính chất phân hóa đáp ứng yêu cầu của một kỳ thi “2 trong 1”.

Đề thi vẫn gồm hai phần; trong đó phần đọc hiểu chiếm 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm với hai câu: câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm.

Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Bốn câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ nhận biết (câu 1, 2), thông hiểu (câu 3), vận dụng (câu 4). Đó là các mức độ phù hợp với quá trình nhận thức của học trò, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và cũng là các kỹ năng mà học sinh đã được ôn luyện trong suốt năm học lớp 12.

                                                                            Cô giáo Vũ Hoài Thu, giáo viên Ngữ Văn - Trường THPT Ban Mai

Với 2 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa khi đọc văn bản và trả lời bằng cách lấy thông tin. Câu thông hiểu, học sinh cần đưa ra cách lý giải theo ý hiểu cá nhân và lý giải thuyết phục.

Riêng câu 4 là ở mức độ vận dụng yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập rút ra từ suy ngẫm của tác giả để nói về mối quan hệ giữa cá nhân – cộng đồng.

Như vậy, phần đọc hiểu sẽ không có nội dung làm khó hoặc gây hiểu lầm, nội dung những câu hỏi đều rất tường minh và tập trung vào nội dung trọng tâm.

Phần 2 Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần là viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2 điểm) Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Câu hỏi hướng đến vấn đề cá nhân con người, cho phép học sinh được đưa ra cách lý giải phù hợp và thuyết phục về vấn đề cá nhân trong bối cảnh phát triển của xã hội.

Câu hỏi ở phần nghị luận xã hội có nhiều “đất diễn” và hướng đến việc tôn trọng cách nhìn cá nhân, do vậy là dạng câu hỏi mang tính chất “an toàn” đối với khuôn khổ đề thi tốt nghiệp.

Câu 2 (5 điểm): Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là phần chiếm sự quan tâm lớn nhất trong đề thi. Câu nghị luận văn học vẫn gồm có 2 vế, một vế chính và một vế phụ. Câu hỏi vế chính yêu cầu học sinh phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích “Đất Nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

Trong quá trình phân tích, học sinh cần kết hợp cả việc làm rõ các yếu tố nghệ thuật và giá trị nội dung của đoạn ngữ liệu, đưa ra cách nhìn nhận và bàn luận đáp ứng yêu cầu về kiến thức cơ bản và kiến thức liên hệ mở rộng.

Yêu cầu thứ 2 của đề hướng vào phong cách của tác giả khi yêu cầu nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm. Ở vế này, học sinh cần có hiểu biết chắc chắn về đặc điểm phong cách của tác giả cũng như việc vận dụng để chỉ ra nét đặc trưng thể hiện trong đoạn thơ được nêu ra.

Như vậy, có thể thấy, cách đặt vấn đề của câu nghị luận văn học trong đề bám sát đề tham khảo, thêm vào đó, đây là đoạn thơ quen thuộc và có hơi hướng “sáo mòn” đối với học sinh nói chung. Tuy nhiên, đoạn trích được đưa vào trong đề khá dài, thử thách học sinh trong việc cân đối thời gian và lựa chọn kiến thức phù hợp để đưa vào bài làm.

Nhìn chung, đề thi môn Ngữ Văn năm 2024 không khó, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh để bước vào các môn thi còn lại.

Link nhận định đề thi Ngữ Văn được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục thủ đô - Bộ Giáo dục và đào tạo: https://giaoducthoidai.vn/ngu-lieu-hay-trong-de-thi-ngu-van-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-post689289.html

MÔN TOÁN: VỪA SỨC VỚI HỌC SINH, KHÔNG ĐÁNH ĐỐ

1/ Đề thi có sự phân loại rõ ràng: Phần lớn là ở mức độ 1&2 - khoảng 37 câu; mức độ 3&4: 13 câu (trong đó ở mức độ 3: 8 câu, mức độ 4: 5 câu)
2/ Đề thi chủ yếu thuộc nội dung chương trình lớp 12 cụ thể:  
- Có 05 câu thuộc chương trình lớp 11 thuộc nội dung: Tổ hợp-Xác suất (2 câu); Cấp số cộng-cấp số nhân (1 câu); Các bài toán liên quan đến góc và khoảng cách (2 câu).
- Có 45 câu nằm trong chương trình lớp 12:
Về phần Giải tích:  Chủ đề: ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số (10 câu); Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số lôgarit (8 câu); Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng (7 câu); Số phức (6 câu). 
Về phần Hình học: Chủ đề: Khối đa diện (3 câu); Mặt nón, mặt trụ, mặt cầu (3 câu); Phương pháp tọa độ trong không gian (8 câu).

Thầy giáo Nguyễn Việt Hải - Giáo viên Toán - Trường THPT Ban Mai

3/ Đề thi Tốt nghiệp THPT 2024 ở mức độ tương đương so với đề thi tốt nghiệp năm 2023 và bám sát đề tham khảo năm 2024.  Tuy nhiên, tính phân loại rõ hơn: học sinh mức độ trung bình khá sẽ dễ dạng làm được 7.4 điểm (nhiều câu có thể nhìn đề và chọn được đáp án luôn). Những câu vận dụng cao từ 41, 42, 48, 49, 50 thuộc các chủ đề Số phức, Bất phương trình mũ – logarit, hình Oxyz và tích phân. Ngoài ra, đề thi xuất hiện những dạng câu hỏi lâu chưa xuất hiện như mặt cầu ngoại tiếp – câu 46, góc giữa hai mặt phẳng – câu 29 hoặc những câu hỏi học sinh dễ tính toán sai như câu 40, 43 sẽ dẫn đến kết quả của thí sinh.
4/ Đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây, tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ giáo dục và đào tạo đã công bố. 
5/ Ma trận (Theo mã đề 122)

 6/ Phổ điểm: Chúng tôi dự đoán rằng: Điểm trung bình: 6.8, Điểm trung vị: 7.0, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.6. Với mức độ đề thi chúng tôi cho rằng không có nhiều điểm 10 như kì thi TN THPT năm 2023.

Link nhận định đề thi Toán được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục thủ đô - Bộ Giáo dục và đào tạohttps://giaoducthoidai.vn/cau-truc-de-thi-tot-nghiep-thpt-mon-toan-2024-giu-duoc-tinh-on-dinh-post689393.html

NHẬN ĐỊNH ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT 2024 CÁC MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN

MÔN HÓA - DỰ KIẾN ĐIỂM 10 TĂNG

Thầy Đặng Xuân Chất – Giáo viên Hóa học – Trường THPT Ban Mai nhận định đề môn Hóa học mã đề 201

Về cấu trúc đề: thi năm nay có 11 câu bài tập tính toán (chiếm 27,5%) còn lại là lý thuyết, trong đó có 3 câu hỏi về hình vẽ và thao tác thí nghiệm, có 3 câu hỏi bài tập tính toán được lấy từ số liệu thí nghiệm hoặc đời sống sản xuất. Như vậy đề thi có tỉ lệ lý thuyết tăng so với năm trước, các bài tập tính toán cũng gần với thực tế. Có thể thấy đề thi đã có sự chuyển hướng, sát với chương trình GDPT 2018 hơn.

Thầy Đặng Xuân Chất – Giáo viên Hóa học – Trường THPT Ban Mai

Về độ khó của đề thi: Đề thi năm nay có độ khó giảm hơn so với năm 2023 tuy vậy đòi hỏi học sinh cần có kiến thức cơ bản chắc chắn. Nguyên nhân là do các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao xuất hiện nhiều câu hỏi lí thuyết hơn. Về phần bài tập tôi khá thích câu hỏi về chuẩn độ oxi hóa khử (câu 78) đây là câu hỏi có thể lạ đối với một số bạn song chỉ cần có tư duy đọc hiểu tốt và kiến thức nền tảng chắc chắn là có thể làm được câu hỏi này.
Với mức độ của đề thi dự đoán môn Hóa sẽ có điểm trung bình cao hơn so với năm trước. Các học sinh khá sẽ dễ dàng đạt điểm 7 – 8, dự kiến số điểm 10 sẽ tăng.

MÔN VẬT LÝ -  KIẾN THỨC TRỌNG TÂM, QUEN THUỘC

Cô Nguyễn Thị Minh Thu – Giáo viên Vật Lí – Trường THPT Ban Mai nhận định: Đề thi Vật lí có các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, kiến thức trọng tâm, quen thuộc. Bám sát cấu trúc ma trận đề thi tốt nghiệp năm 2023 và cấu trúc đề minh họa 2024. Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt từ 7 – 7,5 điểm.
Các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng thuộc các chương quen thuộc dao động cơ, sóng cơ, điện xoay chiều, sóng ánh sáng.
Với học sinh có năng lực, tư duy tốt các con hoàn toàn có thể đạt điểm 8 – 9 điểm. Dự đoán phổ điểm 6 – 7,5 điểm.


Cô Nguyễn Thị Minh Thu – Giáo viên Vật Lí – Trường THPT Ban Mai

Cấu trúc đề bao gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 phương án lựa chọn được sắp xếp thành 2 nhóm: nhóm có mức độ nhận biết thông hiểu từ câu 1 – 30, nhóm có mức độ vận dụng, vận dụng cao từ 31 – 40.
Về phạm vi kiến thức: Lớp 12 chiếm 90% đề thi (36/40 câu) phủ đề tất cả các chương của học kỳ I và học kỳ II.
Lớp 11 chiếm 10% đề thi (4/40 câu) chủ yếu rơi vào các cấp độ nhận biết và thông hiểu thuộc các chương: Điện tích – điện trường, dòng điện không đổi, dòng điện trong các môi trường, cảm ứng từ. Không có câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Đề thi có 4 câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao chiếm 10% đề thi. Các câu hỏi này rơi vào các chương quen thuộc trong chương trình Vật lí 12 là: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều và Sóng ánh sáng.
Số lượng câu khó thuộc các chương cụ thể như sau: 1 câu khó về hệ vật, hệ lò xo (dao động cơ); 1 câu về số điểm cực đại trong trường giao thoa sóng cơ (sóng cơ và sóng âm); 1 câu hỏi khó về bài toán đồ thị mô tả sự phụ thuộc tỉ số U vào tần số; 1 câu hỏi khó về xác định bước sóng trong giao thoa ánh sáng (sóng ánh sáng).

Ma trận đề thi như sau:

MÔN SINH HỌC - DỰ KIẾN ÍT ĐIỂM 10

Cô Nguyễn Thị Huyền Trang – Giáo viên Sinh học – Trường THPT Ban Mai nhận định: Đề thi Sinh học có tính phân hóa, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với học sinh công nhận xét tốt nghiệp THPT.
Về cấu trúc, đề thi gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, học sinh làm bài trong thời gian làm bài 50 phút. Trong đó 4 câu hỏi (10%) nằm ở chương trình môn Sinh học lớp 11; 36 câu hỏi (90%) nằm trong chương trình môn Sinh học lớp 12.


Cô Nguyễn Thị Huyền Trang – Giáo viên Sinh học – Trường THPT Ban Mai

Đề kiểm tra đánh giá các nội dung kiến thức nằm trong chương trình sinh học 11, 12. Các câu hỏi được phân hóa theo mức độ: 30 câu đầu theo mức độ cơ bản (nhận biết, thông hiểu); 10 câu tiếp theo phân hóa (vận dụng, vận dụng cao).
Qua phân tích đề thi môn Sinh học cho thấy 30 câu đầu ở mức độ nhẹ nhàng, bám sát mức độ đề minh họa thuộc các câu hỏi quen thuộc học sinh đã luyện tập nhiều. Các câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan mức độ nhận biết và thông hiểu phần lớn gồm các câu hỏi ở dạng chọn một mệnh đề hoặc phương án đúng.
Câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao chủ yếu dưới dạng kết hợp giữa quan sát bảng số liệu hoặc hình ảnh, phân tích và xác định đếm các mệnh đề đúng.
Bên cạnh đó xuất hiện một số câu dạng phân tích đồ thị, hình ảnh, sơ đồ và số lượng câu hỏi đếm tăng là những câu gây khó cho học sinh về mặt lý thuyết.
5 câu ở mức độ vận dụng cao có độ phân hóa giúp thí sinh thể hiện năng lực xét tuyển vào các trường đại học top đầu, nằm ở kiến thức lớp 12 tập trung ở các chủ đề: Quy luật di truyền (1 câu), Cơ chế di truyền (1 câu), Di truyền học quần thể (1 câu), Sinh thái (1 câu).
Đề thi năm nay có mức độ phân hóa cho các thí sinh xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên vẫn đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Với đề này học sinh ở mức độ trung bình để xét tốt nghiệp dễ dàng đạt điểm theo nguyện vọng, phổ điểm 5-6 sẽ nhiều; học sinh nắm chắc kiến thức ở mức độ hiểu có thể dễ dàng đạt 7-8 điểm.
Song để đạt 9-10 điểm, yêu cầu học sinh phải có thêm về tư duy tổng hợp, ngoài kiến thức cần có kĩ năng làm bài tốt. Dự kiến năm nay sẽ có ít điểm 10 và điểm liệt môn Sinh học.
Ma trận đề thi:

NHẬN ĐỊNH ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT 2024 CÁC MÔN KHOA HỌC XÃ HỘI

MÔN LỊCH SỬ - HỌC TỦ KHÔNG THỂ ĐẠT ĐƯỢC ĐIỂM CAO

Cô Phạm Thị Phương Thảo – Giáo viên Lịch sử - Trường THPT Ban Mai nhận định: Đề thi môn Lịch sử năm nay vẫn theo mẫu các năm trước, đó là 40 câu trắc nghiệm bao gồm phần Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam trong chương trình sách giáo khoa lớp 11 và 12. 

Số lượng các câu hỏi phân hoá mức độ nhận biết được thiết kế theo giống như đề thi minh hoạ. Bao gồm: 20 câu mức độ nhận biết, 10 câu mức độ thông hiểu, 10 câu mức độ vận dụng và vận dụng cao. Giới hạn nội dung câu hỏi đều thuộc chương trình sách giáo khoa lớp 11 và lớp 12.


Cô Phạm Thị Phương Thảo – Giáo viên Lịch sử - Trường THPT Ban Mai

So với đề thi năm 2023, đề thi năm 2024 có số lượng câu hỏi phần Lịch sử thế giới từ 1919 – 1945 tăng thêm 1 câu nhận biết.
Nội dung câu hỏi trong đề thi năm nay bao quát toàn bộ phần Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Cho nên nếu thí sinh học tủ, học lệch sẽ không đạt được hiệu quả cao khi làm bài thi.
Với những thí sinh có mức độ nhớ kiến thức trung bình vẫn sẽ đạt được điểm từ 6 -7 trong đề thi năm nay bởi những câu hỏi trong mức độ nhận biết đều là những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
Thậm chí, trong trường hợp thí sinh không thể nhớ hết đáp án của dạng câu hỏi nhận biết thì vẫn có thể phân tích để, sử dụng từ khoá trong câu hỏi để dùng phương pháp loại trừ chọn ra đáp án đúng.
Những câu hỏi trong mức độ thông hiểu chỉ cần thí sinh nắm chắc kiến thức của các thời kì lịch sử sẽ chọn được đáp án đúng. Số lượng câu hỏi thông hiểu và vận dụng cao đều nằm trong chương trình Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 – 2000.
Phần này yêu cầu thí sinh ngoài kiến thức cơ bản, cần có khả năng tổng hợp, so sánh, tư duy lịch sử để chọn được đáp án đúng.
Số lượng bài thi đạt từ 9 điểm trở lên trong năm nay cũng sẽ nhiều hơn so với năm ngoái. Đồng thời, số điểm bài thi dưới điểm “liệt” chắc chắn không có bởi số lượng câu hỏi nhận biết cứu thí sinh đều thuộc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

MÔN ĐỊA LÝ - VỪA SỨC, PHỔ ĐIỂM CAO

Cô Trần Thị Hà Mi – Giáo viên Địa Lí – Trường THPT Ban Mai nhận định: Đề thi tốt nghiệp môn Địa lí năm 2024 bám sát đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và đào tạo, mức độ có phần dễ hơn đề thi năm 2023, vì vậy, phổ điểm năm nay có thể cao hơn năm trước.
Ma trận đề rất quen thuộc với 20 câu hỏi ở mức độ nhận biết bao gồm 15 câu hỏi về kĩ năng Atlat, 5 câu hỏi lí thuyết; 10 câu hỏi thông hiểu bao gồm kĩ năng bảng, biểu và lí thuyết; 10 câu hỏi vận dụng, vận dụng cao gồm kĩ năng bảng, biểu và lí thuyết chủ yếu tập trung phần vùng kinh tế.


Cô Trần Thị Hà Mi – Giáo viên Địa Lí – Trường THPT Ban Mai

Nhóm câu hỏi nhận biết (bao gồm 15 câu hỏi kĩ năng Atlat Địa lí và 5 câu hỏi lí thuyết) tạo điều kiện thuận lợi để học sinh dễ dàng đạt 3.0 đến tối đa 5.0 điểm theo ma trận của đề thi. Nhóm câu hỏi thông hiểu cũng không “đánh lừa” học sinh nhiều. Học sinh xác định được từ khóa của câu hỏi hoặc đọc kĩ các đáp án để loại trừ cũng có thể lựa chọn được đáp án chính xác. Vì thế, để đạt được mức độ 6 -7 điểm cũng không quá khó với học sinh.

Nhóm câu hỏi vận dụng và vận dụng cao có tính phân hóa, để chọn được đáp án đúng cần hiểu thật kĩ vấn đề của từng vùng kinh tế. Đáp án có sự “gây nhiễu” cho học sinh. Tuy nhiên, câu hỏi vận dụng liên quan đến bài tập nhận diện biểu đồ có cấu trúc đáp án tương tự đề thi năm 2022 trở về trước, học sinh có thể dễ dàng dựa vào dấu hiệu nhận biết các loại biểu đồ đặc trưng để lựa chọn.

Kì thi tốt nghiệp năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình GDPT 2006. Với cấu trúc và mức độ đề thi của năm nay, học sinh sẽ cảm thấy không quá áp lực, tạo nhiều cơ hội cho các bạn HS đã lựa chọn tổ hợp KHXH có điểm số cao và đỗ vào các trường đại học như ý.

MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN: ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU KÉP

Thầy Trương Văn Minh – Giáo viên Giáo dục công dân – Trường THPT Ban Mai  nhận định: Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Giáo dục công dân bám sát với cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đã đưa ra, có dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng sai. Đặc biệt có sự phân hóa học sinh, nếu học sinh không nắm chắc kiến thức sẽ khó đạt được trên 9 điểm.
Nội dung cơ bản nằm trong chương trình lớp 11, lớp 12 và tỷ lệ câu hỏi ở 4 cấp độ không thay đổi. Mức độ nhận thức ( 50% nhận biết, 25% thông hiểu, 15% vận dụng, 10% vận dụng cao).


Thầy Trương Văn Minh – Giáo viên Giáo dục công dân – Trường THPT Ban Mai

Ở mã đề 321, đề thi khá mạch lạc, đối với các câu vận dụng cao đã có tính phân hóa rõ nét, có 4 câu, tương đương 10%. Các câu vận dụng cao thông thường tập trung vào các nội dung chủ yếu: Các quyền tự do cơ bản của công dân bài 6 câu 116, quyền bình đẳng trong lao động, bình đẳng trong hôn nhân và gia đình bài 4 câu 117, quyền bầu cử, ứng cử bài, quyền khiếu nại, tố cáo bài 7 câu 111, vi phạm pháp luật bài và trách nhiệm pháp lí bài 2 câu 118…
Tổng quan có thể thấy đề thi năm nay có thể vừa là để xét công nhận tốt nghiệp và là cơ sở để các trường có tổ hợp môn Giáo dục công dân làm căn cứ để xét tuyển đại học.

Link nhận định đề thi Tổ hợp các môn KHXH và KHTN được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục thủ đô - Bộ Giáo dục và đào tạo: https://giaoducthoidai.vn/de-thi-to-hop-co-cau-truc-quen-thuoc-bam-sat-voi-de-thi-minh-hoa-post689502.html

MÔN TIẾNG ANH: DỰ KIẾN ĐIỂM TRUNG BÌNH TĂNG

Cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Ban Mai nhận định: Cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh bám khá sát với đề thi minh họa năm 2024 của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là năm cuối sử dụng cấu trúc đề thi hiện tại trước khi chuyển sang cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực phù hợp với CTGDPT 2018 được Bộ GD&ĐT công bố vào cuối tháng 12 năm 2023.
Phần ngữ âm: 2 câu phát âm trong đó 1 câu về phụ âm và 1 câu kiểm tra về nguyên âm và giữ nguyên cấu trúc 2 câu kiểm tra về trọng âm của từ có 2 âm tiết và 3 âm tiết
Phần câu hỏi ngữ pháp và từ vựng tập trung chủ yếu vào các kiến thức như thì của động từ, mạo từ, so sánh, danh động từ và động từ nguyên mẫu, cụm từ cố định, …
Hai câu hỏi giao tiếp tập trung vào các nội dung hội thoại quen thuộc, bao gồm việc đáp lại một ý kiến và một lời mời. Thay vì dùng 'Would you like...' như đề minh hoạ, đề thi thay bằng 'Let's...'
Các câu hỏi trong dạng bài tìm lỗi sai tập trung vào lỗi về thì của động từ, tính từ sở hữu và các từ vựng dễ gây nhầm lẫn.
Các câu hỏi về từ đồng nghĩa, trái nghĩa trong đề nằm ở mức thông hiểu và vận dụng tuy nhiên các từ vựng được kiểm tra năm nay đều là từ phổ biến, trong đó câu về thành ngữ 'make no bones about sth' (nghĩa là không ngần ngại, không giấu giếm) là câu khó hơn cả. Học sinh có thể dựa vào văn cảnh của câu hỏi để xác định được nghĩa của thành ngữ và lựa chọn đáp án.


Cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Ban Mai

Phần đọc hiểu vẫn bám sát cấu trúc 3 bài đọc gồm bài đọc điền từ vào chỗ trống, bài đọc hiểu ngắn và bài đọc hiểu dài. Trong đó: Bài điền từ tập trung vào các kiến thức ngữ pháp như lượng từ/từ hạn định, liên từ, đại từ quan hệ và kiến thức về từ vựng. Hai bài đọc hiểu trong đề có chủ đề quen thuộc, gần gũi với học sinh. Nội dung các câu hỏi liên quan đến hỏi tiêu đề, từ gần nghĩa, hỏi thông tin chi tiết và những câu hỏi suy luận khác…
Phần viết: kiến thức kiểm tra vào câu điều kiện loại 2 thay vì câu điều kiện loại 3 như đề kinh hoạ và đảo ngữ (phần kết hợp câu) và kiến thức liên quan bao gồm chuyển đổi thì, câu tường thuật và động từ khuyết thiếu là trọng tâm ngữ pháp cần sử dụng để làm 3 câu tìm câu đồng nghĩa.
Nhìn chung, tỉ lệ câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm hơn 60% đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp, trong khi tỉ lệ câu hỏi khó hơn để lấy điểm cao xét điểm vào các trường Đại học chiếm khoảng 12%. Để đạt điểm cao, học sinh cần chinh phục được các câu hỏi liên quan tới từ vựng và thành ngữ trong phần đọc hiểu và từ vựng ngữ pháp.
Dự kiến điểm trung bình môn Tiếng Anh sẽ cao hơn năm trước, điểm số phổ biến dao động từ 5-6 điểm.

Link tham khảo nhận định môn Tiếng Anh: https://giaoducthoidai.vn/de-thi-mon-ngoai-ngu-vua-suc-hoc-sinh-voi-mot-so-chu-de-kha-gan-gui-post689503.html