Đóng Menu

Gặp gỡ Lê Hạnh Như với bí quyết chinh phục học bổng với phương pháp học tập chủ động và hiệu quả

Trong suốt hành trình học tập kéo dài hơn 12 năm tại BMS, từ những ngày đầu cấp Mầm non đến bây giờ, mình đã trải qua nhiều kỳ thi và rất nhiều kỷ niệm vui buồn đều có, mình rất biết ơn các Thầy cô và bạn bè đã góp phần tạo nên mái nhà BMS nuôi dưỡng mình trưởng thành, để bây giờ mình tiếp tục bay xa, bay cao hơn nữa.

Trong quá trình học tập và trưởng thành tại nơi đây, mình đã đúc rút được một số bí quyết học tập hiệu quả. Những hành trang ấy chắc chắn vẫn sẽ theo mình trong chặng đường Đại học và làm việc sau này, và mình mong muốn được truyền lại những bài học ấy cho các em khoá dưới, mong sao các em học tập vừa hiệu quả, lại vừa vui mà không hề mệt nhé!

1. SỬ DỤNG PLANNER - SỔ KẾ HOẠCH
Đi trong trường có lẽ ai cũng sẽ thấy mình cầm theo một quyển sổ nhỏ nhỏ, và đó chính là bí quyết nền tảng giúp mình sắp xếp được thời gian, công việc mà không phải dùng nhiều não lắm:)). Đó là sổ “planner” lên kế hoạch hoạt động, bất cứ khi nào có công việc được giao, mình sẽ ghi lại vào sổ liền (bài tập về nhà, dự án, hẹn hò với bạn bè, v.v…). Với công cụ này thì mình không phải nhớ nhiều, vì đã có sổ ghi lại hết, khi nào cần thì mở ra xem là không sợ trễ hẹn, hay miss các đầu việc, dung lượng não dùng để nhớ kiến thức bài học, các việc quan trọng hơn... Planner đối với mình không chỉ là sổ lên kế hoạch nhàm chán, mà nó như quyển sketchbook hoặc nhật ký với mình luôn. Nên mình hay trang trí loè loẹt hết các trang, viết, vẽ vào đó những gì mình thích, không chỉ là các đầu việc. Chính vì mình đã biến một công cụ có phần hơi máy móc trở thành một điểm tựa sáng tạo, nên mình rất thích mở sổ ra, mà chăm mở sổ thì đảm bảo dùng hiệu quả!

Vì mỗi người đều có một “cơ chế quản lý” riêng, nên mình khuyên mọi người mua một quyển planner về dùng và tự mày mò khám phá, chắc chắn sẽ tìm ra cách dùng hợp lý. Planner sẽ có lợi cho các bạn có kỷ luật sẵn, còn với những bạn thiên hướng làm việc “tự phát” hơn, vẫn cực kì hiệu quả nếu các bạn biết biến không gian planner thành điểm tựa cho sự sáng tạo và những đam mê của mình.



2. CÁCH ĐỂ HỌC MỌI MÔN HỌC
Sau 12 năm học thì mình đã “hơi” thành thạo được bộ kỹ năng học tập gồm “đọc-nghe-hiểu-ghi nhớ-áp dụng”. Nếu được, mọi người có thể biến việc học bất kì bộ môn gì trở thành một trải nghiệm riêng đúng nghĩa. Tức là không chỉ đọc, nghe về bài, mà hãy hiểu bài, hãy thử liên hệ với bản thân và người thân, thử lãng mạn hoá nội dung bài học mọi lúc cần thiết, thử học theo kiểu mình muốn. Khi làm được như vậy, tự quá trình học sẽ không hề nhàm chán mà thậm chí là vui, và dễ nhớ hơn nữa. 

Ví dụ với môn Ngữ văn: là một môn thiên về cảm nhận hơn, vì thế trong quá trình học mình sẽ sử dụng cảm xúc nhiều hơn. Khi đọc các tác phẩm văn học, mình sẽ tự động đặt bản thân vào tình huống của nhân vật trong truyện, sự đồng cảm đó đã giúp mình học tốt môn văn và viết hay được. Cách này cũng hiệu quả với các môn thiên logic hơn như Toán. Vì Toán thiên logic, mình sẽ đúc kết ra một quyển các công thức (dùng cả năm, có khi là cả 3 năm) và nhớ kỹ công thức đó, rồi làm thật nhiều bài trong khi tư duy sử dụng các công thức kia. Với Lịch sử, mình thích xem phim và ghi nhớ nhân vật bằng cách liên hệ với người thân xung quanh. Bất kì nhân vật lịch sử nào giống bạn bè, người quen mình, đều trở thành một “memory cue” hữu ích. 

Nhìn chung, hãy liên hệ bài học tới mình, và học theo cách của mình, đừng chỉ giới hạn cách học trên trường nhé. 

3. NGHỈ NGƠI HIỆU QUẢ
Đây là một bài học cực kì đắt giá với một đứa “nghiện việc” như mình, và mình vẫn đang học cách tiến bộ hàng ngày. Nói nghiện việc thì không đúng lắm, dù làm việc hay học tập lâu mà đầu ra không ưng ý thì cũng bằng không làm gì. Vì thế nếu được, hãy tải các ứng dụng Pomodoro timer về, mình hay làm việc 40 phút rồi nghỉ ngơi 10 phút, hôm nào khó tập trung hơn thì làm 25 phút nghỉ 5 phút. Hãy điều chỉnh sao cho hợp lý vì thời gian vào guồng làm việc hiệu quả của mỗi người lại khác nhau. 

Cố gắng thêm vào lịch trình của mình những hoạt động mình thích, cân bằng nó với các hoạt động “khó nuốt” hơn sẽ giúp ích rất nhiều. Ví dụ mình một ngày học 2 buổi, mình sẽ cân bằng với ít nhất một hoạt động sáng tạo như vẽ vời, thủ công hoặc chơi đàn, hoặc đơn giản là tán gẫu với bạn bè về chủ đề mình thích, cũng được gọi là một công việc hẳn hoi và có thời gian giới hạn cho việc đó.

Chủ động học tập, làm việc nhưng cũng cần chủ động khi chơi đó!

4. SẴN SÀNG VỚI MÙA THI
Gần tới mùa thi mọi người hay gấp rút ôn bài, thức đêm, vừa ăn sáng vừa học. Với mình thì không thích cách này lắm, vì mình thích vừa học vừa chill hơn. Nên là thường mình sẽ chủ động nắm chắc lịch thi trước, càng sớm càng tốt. Sau đó sử dụng planner để phân chia mỗi ngày học các môn gì, môn nào yếu thì tăng buổi học, môn nào tốt hơn thì học ít hơn. Gần tới tuần thi mình sẽ làm các buổi tổng hợp, chuẩn bị một không gian một mình thật yên tĩnh và ngồi ngẫm lại tất cả các kiến thức. 

Cứ đi chậm từng bước mà chắc, sẽ vừa ung dung bước vào phòng thi mà không sợ gì, bước ra dù kết quả có thế nào thì cũng tự tin vì bản thân đã cố gắng!

5. TỰ TIN APPLY HỌC BỔNG
Riêng mục này thì có quá nhiều thứ để nói, nhưng tips quan trọng nhất của mình vẫn là “Hãy thực sự mong muốn, và hãy sẵn sàng 200% cho mọi thứ cần làm”. Mình đạt được học bổng sáng tạo của RMIT trị giá 50% học phí. Đó là cả một quá trình quyết định hành động, đấu tranh nội tâm, quyết định “reach out” các anh chị đi trước, bước ra khỏi vùng an toàn và rồi hành động. 

Nếu có ý định apply học bổng, mọi người chắc chắn nên reach out tới các anh chị mentor chuyên nghiệp, các anh chị đã đạt học bổng trước đó, như thế thì con đường mình đi sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Hãy bày tỏ nguyện vọng một cách chân thành, mình có bao nhiêu cảm xúc thì khéo léo bày tỏ từng đó, chắc chắn các anh chị sẽ giúp đỡ mình nếu họ nhận thấy sự chân thành. Và nhớ hỏi nhiều, hỏi khéo, nhớ cảm ơn và thật chuyên nghiệp nhé).

Mong rằng những phương châm học tập của mình sẽ giúp được các em khoá dưới trên hành trình của mình. Chúc các em học tập hiệu quả và gặt hái được nhiều thành công!