Đóng Menu

Dự án trải nghiệm hướng nghiệp khối 8"Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp" tại Làng Gốm Bát Tràng

Ngày 19/04 vừa qua, trường THCS Ban Mai đã tổ chức dự án hướng nghiệp “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp” tại Lò Bầu cổ - nơi duy nhất còn lưu giữ được chiếc lò bầu cổ ra đời từ cuối thế kỷ 19 tại Làng Gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Với chủ đề “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp”, BMSers  khối 8 có cơ hội tìm hiểu về quá trình xây dựng thương hiệu doanh nghiệp của Lò bầu cổ từ một lò gốm thủ công nhỏ trở thành một trong những doanh nghiệp uy tín nhất tại Bát Tràng. Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ về mô hình kinh doanh hiệu quả kết hợp giữa sản xuất gốm sứ và cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm nghề gốm sứ thủ công.

Các bạn học sinh BMS rất quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề hướng nghiệp:  

Nhữngcơ hội và thách thức đối với Lò bầu cổ trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu? Cách thức để tạo được nét khác biệt trong các sản phẩm, dịch vụ, tạo dựng thương hiệu vững chắc tại Bát Tràng cũng như thị trường gốm sứ đầy cạnh tranh hiện nay? 

 Từ những hiểu biết này cùng với những kiến thức đã học về thương hiệu trong bộ môn JA - Tư duy tài chính - Kiến tạo doanh nhân trẻ tại BMS,  các bạn học sinh khối 8 có cái nhìn tổng quan hơn về việc xây dựng thương hiệu trong kinh doanh.  

Các nhóm được chia để thực hiện sản phẩm dự án đó là áp dụng những thông tin, kiến thức đã thu nhận được từ hoạt động trải nghiệm và đưa ra một chiến lược đẩy mạnh thương hiệu doanh nghiệp cho một doanh nghiệp trong lĩnh vực nghề truyền thống như Lò bầu cổ. 

Trong khuôn khổ buổi trải nghiệm hướng nghiệp, BMSers khối 8 cũng được tham quan dây chuyền sản xuất gốm sứ thủ công, tìm hiểu về từng khâu trong quy trình làm ra một sản phẩm gốm sứ,  từ chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình, phơi khô, vệ sinh tới trang trí, tráng men, đun đốt và hoàn thiện sản phẩm. Các bạn cũng được trải nghiệm làm quen với đất sét cao lanh, với bàn xoay, tự tay nặn gốm, vuốt gốm để tạo ra những chiếc cốc, chiếc bát, chiếc đĩa gốm; tự tay vẽ họa tiết lên những chiếc đĩa gốm mộc với sự hướng dẫn của các nghệ nhân. 

 

Từ những buổi học tập trải nghiệm thực tế, BMSes được mở rộng thêm góc nhìn, biết trân trọng giá trị của sức lao động, hiểu được những thuận lợi và khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Những trải nghiệm này sẽ là những hành trang cần thiết cho quá trình làm việc của BMsers trong tương lai.