Đóng Menu

DỰ ÁN HỌC TẬP TRẢI NGHIỆM TÍCH HỢP LIÊN MÔN: HÀNH TRÌNH KHOA HỌC – ÁNH SÁNG TỪ NHỮNG DÒNG SÔNG

Không còn giới hạn không gian học tập, không còn gò bó cách tiếp cận kiến thức, các Thầy cô giáo Tổ Tự nhiên đã thiết kế các chủ đề học tập theo hướng phát triển tối đa năng lực người học, phù hợp với sở thích và nhu cầu học tập của học sinh.

Không còn giới hạn không gian học tập, không còn gò bó cách tiếp cận kiến thức, các Thầy cô giáo Tổ Tự nhiên đã thiết kế các chủ đề học tập theo hướng phát triển tối đa năng lực người học, phù hợp với sở thích và nhu cầu học tập của học sinh.

Được trở thành phóng viên tập sự; được thử thách với vai trò kĩ sư thủy điện; được tín nhiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng chế; được đảm trách vai trò viết kịch bản, đạo diễn phim tư liệu…. Đó là một trong số những phương pháp học trải nghiệm thực tế thú vị và bổ ích của học sinh THPT Ban Mai khi tham gia dự án học tập tích hợp liên môn với chủ đề “ Hành trình khoa học – Ánh sáng từ những dòng sông” tại Thủy điện Hòa Bình.

Tại trường THPT Ban Mai, chương trình học các môn Khoa học tự nhiên năm học 2022-2023 được thiết kế với nhiều chủ đề học tập tổ chức thông qua hình thức học trải nghiệm thực tế trong và ngoài nhà trường. Nổi bật trong tháng 10/2022 đó là Dự án học tập trải nghiệm tích hợp liên môn với chủ đề: “HÀNH TRÌNH KHOA HỌC – ÁNH SÁNG TỪ NHỮNG DÒNG SÔNG dành cho học sinh khối 11 tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tỉnh Hòa Bình.

Khi tổ chức dự án cho học sinh khối 11 trường THPT Ban Mai, các thầy cô Tổ Tự nhiên đã thiết kế chủ đề theo hướng phát triển tối đa năng lực người học, phù hợp với sở thích và nhu cầu học tập của học sinh. Căn cứ trên thế mạnh của từng học sinh để lựa chọn tham gia vào một trong ba nhóm hoạt động dự án gồm: nhóm truyền thông, nhóm kĩ thuật và công nghệ, nhóm nghiên cứu.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Dậu – Giáo viên Tổ Tự nhiên chia sẻ: “ Để triển khai được dự án học tập trải nghiệm, các Thầy Cô đã chuẩn bị giáo án rất công phu, từ việc xây dựng kế hoạch, lộ trình trải nghiệm; liên hệ với đơn vị trải nghiệm thực tế; hướng dẫn cho học sinh kiến thức, kĩ năng chuẩn bị trải nghiệm, mục tiêu, yêu cầu và hình thức đánh giá của chuyến đi; đưa học sinh đi trải nghiệm; báo cáo sau chuyến đi và tiến hành tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm cho học sinh…”

Nhóm Truyền thông – Tự tin tác nghiệp hiện trường

Với những bạn học sinh năng nổ, yêu thích sự sáng tạo, có khả năng viết kịch bản, quay phim, MC và cả việc sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế video. Kế hoạch của nhóm là thực hiện phóng sự về Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình- Sự ra đời và quá trình phát triển. Sau khi thảo luận, lên ý tưởng, nhóm xác định sẽ thực hiện bộ phim tài liệu: “Hành Trình Khoa học” và phóng sự  “Dấu ấn thế kỉ XX”

Mỗi học sinh trong nhóm truyền thông sẽ đảm nhiệm các vai trò khác nhau. Với nhóm làm phim tư liệu, học sinh sẽ tự xây dựng kịch bản chi tiết cho từng bộ phim, hình ảnh tư liệu: nội dung, lời thoại, cảnh quay, bối cảnh đến việc phân công nhiệm vụ ( đạo diễn, biên kịch quay phim, dựng phim, lồng tiếng, trang phục, đạo cụ, phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật hình ảnh, âm thanh). Với nhóm truyền thông chụp ảnh tư liệu sẽ đóng vai trò như một phóng viên hiện trường thực thụ, đồng hành xuyên suốt trong cả quá trình học trải nghiệm của khối 11 để kịp thời ghi lại những hình ảnh đẹp, đáng nhớ, góp phần vào việc tập hợp tư liệu học tập sau này.

Bạn Minh Hải – Lớp 11S chia sẻ:“Đây là lần đầu tiên con được thử sức với vai trò phóng viên tập sự. Cảm giác như được thực hành nghề nghiệp mà con mơ ước trong tương lai rất thú vị. Con đã vượt qua được sự hồi hộp ban đầu, tự tin đặt ra các câu hỏi phỏng vấn các cô giáo và các bạn. Để biết cách đặt vấn đề, đặt câu hỏi liên quan đến nội dung bài học, trước đó nhóm con cũng đã tìm hiểu rất nhiều tư liệu về Nhà máy thủy điện Hòa bình, cùng nhau bàn bạc, thống nhất nội dung bảng hỏi để tiếp cận được nhiều góc nhìn từ thầy cô và các bạn nhóm khác” 

Nhóm Kĩ thuật – Kĩ sư tập sự

Với sứ mệnh mang kiến thức đã học được trong sách vở vào thực tế cuộc sống. Nhóm đã cùng nhau làm mô hình máy phát điện mô phỏng quá trình tiêu thụ điện với kết cấu kĩ thuật lợi dụng sức mạnh của dòng nước làm quay tuapin tạo ra dòng điện. Mô hình có các phần chính: phần chứa nước, phần động cơ và tuapin, mô hình công viên đã được lắp sẵn hệ thống đèn đợi chờ dòng electrong từ những dòng chảy của nước. 

Mỗi thành viên trong nhóm kĩ thuật luôn thể hiện được sự sáng tạo trong nghiên cứu khi tận dụng những vật dụng, đồ dùng tái chế, và vận dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế cuộc sống.

Bạn Ninh Uyên – Lớp 11T chia sẻ: “ Trong quá trình làm việc, nhóm gặp không ít những thử thách liên quan đến việc chọn lựa, thay thế các thiết bị, đồ dùng làm mô hình. Ngay cả kĩ năng sử dung máy khoan, máy hàn, tiện, động cơ…chúng con đi từ bỡ ngỡ đến khi tìm ra cách sử dụng một cách thành thạo, đúng mục đích sau các lần thử nghiệm”.

Nhóm chuyên gia – Nhà nghiên cứu thực thụ

Đây là nhóm bao gồm các học sinh có năng lực khá trở lên các môn khoa học tự nhiên và năng lực nghiên cứu khoa học. Nhóm có nhiệm vụ là nghiên cứu ảnh hưởng của Thuỷ điện Hoà Bình đến môi trường, đời sống và kinh tế tại địa phương và đề xuất giải pháp khắc phục. 

Nhóm học sinh được trực tiếp trải nghiệm các bước nghiên cứu của một nhà khoa học dưới sự hướng dẫn của giáo viên, được rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề, hợp tác với các thành viên trong nhóm từ đó vun đắp tình yêu khoa học. Mọi nhiệm vụ và hoạt động của học sinh thực hiện dự án được tiến hành theo từng bước, có biên bản theo dõi nhiệm vụ và đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng nhóm. 

Trong quá trình tham gia dự án thầy cô đóng vai trò hướng dẫn, học sinh là trung tâm của hoạt động học tập, đảm bảo phát huy tính tích cực chủ động. Trước chuyến đi, nhóm đã có những phần nghiên cứu tư liệu khoa học, tài liệu thông qua các kênh khác nhau như sách, báo, video…Ngày chuyến đi diễn ra chính là cơ hội để thực địa và tìm hiểu sâu hơn những thông tin nghiên cứu, đồng thời bổ sung các tư liệu tại thời điểm hiện tại để đưa ra những giải pháp hợp lý cho các vấn đề liên quan đến thủy điện Hòa Bình.

 Phương pháp dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn đã mang đến cho học sinh cơ hội được lĩnh hội kiến thức một cách sâu, rộng và đa diện. Các học sinh được phát huy các năng lực học tập của bản thân, khẳng định giá trị và tự tin học tập, được rèn luyện tư duy và khả năng chủ động kết nối tri thức các môn học một cách sáng tạo và nhuần nhuyễn.

Sau chuyến học tập trải nghiệm thực tế, mỗi học sinh đều mang trong mình rất nhiều kiến thức mới. Mỗi nhóm, mỗi đặc trưng riêng, mỗi thế mạnh riêng và sự lựa chọn hình thức báo cáo cũng rất đa dạng và phong phú: làm phim tư liệu, làm poster, sách, video, thiết kế, thuyết trình…Các bạn học sinh trường THPT Ban Mai  tin rằng tri thức được lan tỏa sẽ là tri thức vĩnh cửu và mỗi sản phẩm học tập sẽ là minh chứng sống động nhất cho quá trình tiếp thu và vận dụng kiến thức của học sinh.

Dạy học dự án tích hợp liên môn là một xu thế trong đổi mới giáo dục hiện nay. Phương pháp này giúp học sinh phát triển kiến thức và các kỹ năng thông qua hình thức trải nghiệm thực tế,  gia tăng khả năng kết nối kiến thức giữa các môn học nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Đây cũng là cơ hội để học sinh được cùng làm việc, cùng trải nghiệm, cùng sáng tạo những sản phẩm học tập cho chính mình.


HỆ THỐNG GIÁO DỤC BAN MAI

  • Website: banmaischool.edu.vn
  • Cơ sở 1: KĐT Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội
  • Cơ sở 2: KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội
  • Hotline: 0966694869 (Mầm non) – 0935625656 (Tiểu học) – 0906190468 (THCS-THPT)