Thực hiện lộ trình Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có sự thay đổi về quy chế và phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Dưới đây là 8 điểm mới trong kì thi mà giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cần biết để chủ động chuẩn bị vững vàng, đạt kết quả cao.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn diện, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với nhiều thay đổi về quy chế và phương thức tổ chức. Những điều chỉnh này không chỉ phản ánh sự tiến bộ trong quá trình dạy và học, mà còn đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi quan trọng này, việc nắm bắt và hiểu rõ các điểm mới là vô cùng cần thiết. Cùng Tiến sĩ Trần Vân Anh - Phó Phòng Đào tạo Ban Mai School – Hà Đông chia sẻ về những thay đổi chính trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Thầy cô, phụ huynh, học sinh cần chú ý để có sự chuẩn bị đầy đủ và hiệu quả.
Thứ Nhất: Mới về số lượng môn thi: Học sinh thi 04 môn, gồm: 2 môn bắt buộc (Toán - Ngữ văn) và 2 môn do học sinh lựa chọn trong số các môn học còn lại ở lớp 12. (bao gồm các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Với phương án này sẽ tạo nên 36 tổ hợp thi khác nhau.
Tiến sĩ Trần Vân Anh trong buổi tọa
đàm chia sẻ cùng các phụ huynh về chương trình giáo dục phổ thông
Thứ Hai: Mới về cách quy đổi môn Ngoại ngữ: Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như hiện nay.
Thứ Ba: Lần đầu tiên môn Tin học và Công nghệ được đưa vào tổ chức thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Đây là một điểm mới về kiểm tra đánh giá theo định hướng nghề nghiệp của học sinh, không những góp phần xoá định kiến môn chính – môn phụ trong dạy học và thi cử mà còn chuẩn bị vững chắc cho nền tảng nghề nghiệp tương lai của học sinh.
Thứ Tư: Bổ sung dạng thức câu hỏi: Đề thi từ 2025 bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm. Bao gồm hình thức câu hỏi nhiều lựa chọn (chọn đáp án đúng trong 4 phương án A,B,C,D; câu trả lời Đúng/Sai; câu trả lời ngắn.
Thứ Năm: Rút ngắn thời gian tổ chức thi: 3 buổi thi. Rút ngắn hơn so với hiện nay là 4 buổi. Rút ngắn thời gian vừa tiết kiệm nguồn lực về nhân lực, vật lực cho kì thi, vừa giảm áp lực tâm lý cho thí sinh và cha mẹ đồng hành.
Thứ Sáu: Thay đổi tỉ lệ điểm thi và điểm đánh giá trong xét tốt nghiệp: Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50%. Tỉ lệ hiện nay là 30% điểm đánh giá lớp 12 + 70% điểm thi.
Thầy Nguyễn Khánh Chung - Hiệu trưởng Trường THPT Ban Mai chia sẻ cùng phụ huynh và học sinh về lộ trình định hướng học tập
Thứ Bảy: Lộ trình chuyển từ thi giấy sang thi trên máy tính theo giai đoạn: trong giai đoạn 2025 – 2032: giữ ổn định thi trên giấy; sau năm 2023 từng bước thí điểm dần chuyển sang thi trên máy ở những địa phương có điều kiện.
Thứ Tám: Mới về cách tổ chức địa điểm thi: Việc sắp xếp điểm thi, phòng thi theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi, học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau được trộn và thi tại các điểm thi tiện ích cho thí sinh. Thí sinh học cùng trường sẽ thi ở những địa điểm thi khác nhau thay vì cùng điểm thi như trước kia.
Để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, các giáo viên, học sinh, và phụ huynh cần nắm rõ những thay đổi quan trọng này. Những điểm mới này đều hướng đến việc cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường tính công bằng và linh hoạt trong thi cử, đồng thời chuẩn bị cho học sinh một hành trang vững chắc hơn khi bước vào ngưỡng cửa đại học và cuộc sống tương lai. Các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ để tối ưu hóa kết quả học tập và đạt được mục tiêu cuối cùng là hoàn thành kỳ thi với kết quả tốt nhất.