Đóng Menu

Ban Mai áp dụng phương pháp Reggio Emilia vào chương trình giảng dạy

Phương pháp giáo dục có thể xem là kim chỉ nam định hướng cho chương trình giáo dục mầm non. Vậy nên bên cạnh các phương pháp giáo dục tiên tiến được áp dụng phổ biến hiện nay như Montessori hay STEM, trường mầm non Ban Mai còn áp dụng phương giáo dục Reggio Emilia trong hoạt động giảng dạy.

Phương pháp giáo dục Reggio Emilia

Phương pháp giáo dục Reggio Emilia được sáng lập bởi nhà tâm lý học người Ý Loris Malaguzzi, khi xã hội Ý được xây dựng lại, với mục tiêu giáo dục trẻ phát triển toàn diện các kỹ năng nhằm giúp trẻ trở thành công dân toàn cầu. Hiện nay phương pháp tiếp cận Reggio Emilia đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước phát triển trên thế giới như: Ý, Úc, Mỹ, New Zealand, Singapore… trong đó có Việt Nam.

Không ngừng đổi mới, cập nhật các phương pháp dạy học hiện đại nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho trẻ. Từ ngày 20/07 đến ngày 30/07/2019 cán bộ quản lý trường Mầm non Ban Mai đã tham gia chương trình tập huấn, bồi dưỡng phương pháp giáo dục Reggio Emilia tại Trung tâm Europass teacher Academy, Florence, Italia – Ý.

Cô Mai Hoa, cô Liên Phương nhận Chứng chỉ Quốc tế
Chương trình học tập, bồi dưỡng phương pháp giáo dục Reggio Emilia

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN REGGIO EMILIA

Trẻ em có 100 ngôn ngữ biểu đạt

Loris Malaguzzi nghĩ ra thuyết “100 ngôn ngữ của trẻ”, là lý thuyết dẫn đường cho phương pháp tiếp cận Reggio Emilia. “100 ngôn ngữ của trẻ” là nói đến hàng trăm cách mà trẻ em có thể thể hiện bản thân và giao tiếp với thế giới xung quanh: ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, các ngôn ngữ nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, ngôn ngữ cơ thể và cảm nhận về các sự vật xung quanh… Mỗi một trong số hàng trăm ngôn ngữ này luôn  được coi trọng và nuôi dưỡng mỗi ngày

Thuyết đa trí tuệ

Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ niềm tin cho rằng trong mỗi trẻ là một sự khác biệt, đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có của trẻ. Trẻ cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh và tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới xung quanh trẻ.

Trẻ được khuyến khích và tạo điều kiện để tự giải quyết vấn đề và thể hiện ý tưởng, cảm xúc của bản thân. Môi trường học tập được thiết kế để thể hiện tính linh hoạt và thẩm mỹ. Ông Loris Malaguzzi chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi làm khơi dậy sự sáng tạo của trẻ nhỏ để chúng chinh phục ngọn núi cao nhất có thể bằng chính đôi chân của mình. Không ai có thể làm hơn thế.” .

Phương pháp tiếp cận Reggio Emilianhận định rằng thông qua sự tò mò và trí tưởng tượng trong quá trình học hỏi, những năng lực ẩn sâu bên trong của đứa trẻ sẽ dần được giải phóng.

Tiếp thu kiến thức thông qua các dự án

Trong phương pháp tiếp cận Reggio Emilia, các dự án được cho là một phương tiện học tập hiệu quả. Qua đó, trẻ được kích thích tư duy sáng tạo cùng các khả năng tiềm ẩn khác. Các chủ đề của dự án xuất phát từ sự tò mò và khám của trẻ. Các mối quan tâm xã hội của phụ huynh và giáo viên hoặc các sự kiện có được sự chú ý của trẻ em và giáo viên. Một dự án thành công là khi nó có thể tạo ra sự quan tâm và sự sáng tạo của trẻ. Giúp trẻ tự giải quyết các vấn đề thực tế và mở ra những con đường khám phá kiến thức khác nhau.

– Kích thích trí tò mò, khả năng quan sát của trẻ

– Tạo nên sự yêu thích khám phá và học tập của trẻ

– Phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo của trẻ thông qua các giác quan, vẽ, sáng tác

– Phát triển khả năng làm việc nhóm

– Hình thành cho trẻ một mối quan hệ gắn bó và tình yêu với thiên nhiên

Các tác phẩm sáng tạo từ phương pháp Reggio Emilia

Phương pháp Reggio Emilia với giáo viên, thầy cô và gia đình.

Vai trò của giáo viên

Loris Malaguzzi muốn tạo ra một môi trường học tập cho trẻ dựa trên yếu tố tôn trọng và tin tưởng vào tiềm năng vốn có của trẻ. Vậy nên, trẻ cần phải có một người bạn – người nuôi dưỡng, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khám phá chính mình một cách tận tâm. Người đó, không ai khác chính là những người giáo viên – có khả năng sắp xếp và dẫn dắt lớp học dựa trên sự quyết định của học sinh. Giáo viên trong môi trường Reggio Emilia đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, giải thích và phản ánh dựa trên những thông tin cụ thể về việc học tập của học sinh (sự ghi nhận).

Dựa trên những thông tin đó, giáo viên có thể tác động một cách chủ động và tích cực vào quá trình học tập. Bằng cách xây dựng những chương trình học khiến cho trẻ cảm thấy hứng thú, kích thích hoặc được thử thách. Đồng thời giáo viên sẽ có những đánh giá liên tục về sự phát triển của trẻ, cũng như tính thực tiễn, sự phù hợp và hiệu quả của chương trình học tập cho trẻ, dựa vào những tư liệu đã được ghi chép cụ thể.

Sự ghi nhận thường bao gồm những tác phẩm của trẻ. Hoặc những hình ảnh của trẻ khi trẻ đang thực hiện những tác phẩm này. Cùng với những lời nhận xét/bình luận, và cuộc hội thoại diễn ra vào thời điểm những hình ảnh này được giáo viên quan sát và ghi lại. Những tác phẩm của trẻ và những phản ánh về quá trình học của trẻ có thể được trưng bày trong chính phòng học. Những tài liệu này làm sáng tỏ quá trình mà trẻ lên kế hoạch, thực hiện, và hoàn thành tác phẩm của mình. Qua đó, trẻ một lần nữa được học tập từ việc ngắm nhìn những “thành quả” của mình, đã được ghi nhận bằng những tác phẩm hiện hữu.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận trẻ, cũng chính là một cách để giáo viên có cơ hội học tập và cảm nhận tầm quan trọng của các hành vi, cũng như sự quan sát, ghi nhận của mình trong quá trình học tập của trẻ. Từ đó, việc học không chỉ diễn ra đối với trẻ, mà còn diễn ra đối với cả giáo viên – những người bạn đồng hành cùng trẻ. Chính vì thế, vai trò của giáo viên trong môi trường Reggio Emilia là vô cùng quan trọng. Tạo tiền đề để xây dựng một môi trường đúng nghĩa để trẻ phát triển trong sự tin tưởng và tôn trọng.

Các giáo viên tham dự chương trình tập huấn tại Ý

Sự tham gia của cộng đồng và cha mẹ

Các mối tương tác xã hội là một yếu tố quan trọng của phương pháp Reggio Emilia. Bởi vậy, sự gắn kết của việc học tại nhà trường với những người có liên quan sẽ hỗ trợ rất lớn trong việc học của trẻ. Giúp trẻ mở rộng tư duy và lối suy nghĩ. 

Cha mẹ đóng vai trò cộng tác viên, đối tác và người ủng hộ của con cái. Giáo viên cũng tôn trọng phụ huynh như người thầy đầu tiên của trẻ. Bởi vậy, phụ huynh sẽ là những tình nguyện viên nhiệt huyết trong các lớp học Reggio. Phụ huynh cũng đồng thời thảo luận với giáo viên và các nhà giáo dục về mối quan tâm của trẻ. Cùng lập kế hoạch và đánh giá quá trình phát triển của trẻ và chương trình giảng dạy của trường.

Môi trường là người thầy thứ ba

Theo Malaguzzi, môi trường là “người giáo viên thứ ba” của trẻ ở độ tuổi mầm non. Môi trường chính là nơi thu hút sự chú ý và khơi gợi tính duy mỹ của trẻ. Một môi trường theo hệ thống trường Reggio cần tạo ra sự sống động. Sự chào đón với trẻ mỗi ngày đến trường, kích thích sự tìm tòi của trẻ, giúp trẻ thể hiện và tìm kiếm cái đẹp. 

Không gian cần có sự mở rộng và sự kết nối ra bên ngoài, sử dụng ánh sáng trực tiếp. Giúp trẻ gần gũi với thiên nhiên và các chất liệu có sẵn như cây cối, đất cát, đá…

Đồng thời, mỗi khu vực, mỗi phòng học đều tạo thành một xưởng làm việc nhỏ để trẻ thỏa sức sáng tạo và giải phóng tiềm năng của bản thân. 

Sự gắn bó và niềm yêu thích của trẻ với môi trường chính là một mục tiêu giáo dục của phương pháp tiếp cận Reggio Emilia.

Mời quý phụ huynh cùng theo dõi thêm các phương pháp giáo dục đang được áp dụng tại Ban Mai