Đóng Menu

2 tuổi đến trường bé học bài thế nào nhỉ?

Đến trường mầm non ở lứa tuổi nhà trẻ từ 24-36 tháng là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi lớn của trẻ. Bước ngoặt tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về tâm lý, ngôn ngữ và thể chất ở trẻ. Điều đó khiến cho các bậc cha mẹ học sinh có con trong độ tuổi này thường lo lắng và dành sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động của bé ở trường. Rất nhiều cha mẹ tự hỏi, không biết con mình ở trường học bài như thế nào nhỉ? nhất là khi nhiều bạn lúc này ngôn ngữ còn chưa hoàn thiện…. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu 1 hoạt động học của bé lớp nhà trẻ 24 – 36 tháng để trả lời cho những băn khoăn của cha mẹ.

Trước tiên, với lứa tuổi từ 24-36 tháng, cha mẹ cần nắm rõ vấn đề tâm lý của các bé ở lứa tuổi này, bởi bất kỳ hoạt động nào với trẻ cũng phải dựa trên cơ sở tâm lý. Vậy hoạt động tâm lý đặc trưng của trẻ giai đoạn này là gì? Đó là HOẠT ĐỘNG VỚI ĐỒ VẬT. Nghĩa là với trẻ trước 3 tuổi mà điển hình là từ 18 – 36 tháng tuổi thì đồ vật có trò đặc biệt quan trọng quyết định sự phát triển của trẻ/ Không có thế giới đồ vật trẻ không thể phát triển, không thể hình thành ngôn ngữ cũng như các khái niệm. Tư duy của trẻ lúc này là tư duy trực quan hình ảnh, trẻ học bằng cách chụp hình nên khi cung cấp cho trẻ 1 từ ngữ nào đó phải gắn với hình ảnh, và trẻ phải được nhìn thấy, cầm nắm thậm chí là đưa lên miệng cắn, đập , lắc….vv từ đó hình ảnh về đồ vật đó sẽ in trên não bộ của trẻ và trẻ có 1 kiến thức mới. Ví dụ chúng ta dạy trẻ về hình vuông, thì không thể chỉ dạy trẻ bằng lời nói “hình vuông” mà bắt buộc phải có 1 hình vuông để trẻ vừa nhìn, vừa cầm và ghi nhớ từ hình vuông đó trên não…. cứ như vậy các giác quan của trẻ được đánh thức bởi thế giới đồ vật. Mỗi biểu tượng đồ vật mà trẻ được tiếp xúc sẽ trở thành vốn từ ngữ mới của trẻ. 
Càng về sau vốn từ ngữ ấy càng phong phú, việc học từ ngữ sẽ kéo theo các tri thức khác như chất liệu, màu sắc, công dụng của đồ vật…. và cao hơn nữa ở lứa tuổi tiếp theo là các trò chơi để trẻ sử dụng các đồ vật đó giống như người lớn. Từ đó các đồ chơi để trẻ có thể chơi theo chức năng ra đời như bộ đồ chơi nấu ăn, bộ đồ chơi bác sĩ…..vvv

Thế giới đồ vật giữ một vai trò đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ trước tuổi lên 3


Một giờ học nhận biết hình vuông to và hình vuông nhỏ của các bạn lớp nhà trẻ 24-36th diễn ra trong khoảng từ 15-20 phút. Cô giáo tạo hứng thú cho trẻ bằng 1 bài nhạc và những động tác nhún nhảy với mục tiêu tập trung sự chú ý của trẻ vào tiết dạy. Sau đó cô sẽ sử dụng 1 hình vuông to màu xanh và hình vuông nhỏ màu đỏ. Sau đó cô cho trẻ được cầm trực tiếp các hình vuông và gọi tên “hình vuông to, hình vuông nhỏ”. Tiếp theo cô cho trẻ đặt chồng hình vuông lên nhau để trẻ nhận biết khái niệm “to hơn” và “nhỏ hơn”. Cứ mỗi thao tác mà trẻ thực hiện cô lại cho trẻ phát âm thành tiếng, điều này giúp trẻ chụp lại hình ảnh trên não gắn với vốn từ đó là các hình vuông to, nhỏ.

Bé học về hình vuông to và hình vuông nhỏ với những tấm thảm xốp trải sàn.


Vậy cha mẹ muốn dạy cho con 1 khái niệm nào đó trong lứa tuổi này, điều đầu tiên cha mẹ cần làm đó là chuẩn bị đồ dùng trực quan. Với các đồ vật gần gũi cha mẹ có thể sử dụng vật thật, với các đồ vật không thể sử dụng vật thật cha mẹ có thể dùng tranh ảnh hoặc đồ chơi thay thế. Sau đó cha mẹ hãy đưa ra cho trẻ tri giác (cầm, nắm, sờ, đập, lắc…) cùng với đó là phát âm thành tiếng về tên đồ vật đó… cứ như vậy trẻ sẽ được cung cấp vốn từ và tri thức.